Nỗ lực hơn nữa để giải quyết kết hôn không giá thú vùng biên giới Việt - Lào

(PLO) - Những năm qua, tình trạng người dân Lào sang sinh sống tại khu vực biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, từ năm 2013, Chính phủ hai nước đã ký Thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Tuy nhiên, do còn một số khó khăn nên vừa qua, Chính phủ hai nước cùng nhất trí đề xuất gia hạn Thỏa thuận thêm 3 năm tiếp theo.
Bò giống tặng cho người nghèo biên giới
Bò giống tặng cho người nghèo biên giới

Mong được ổn định cuộc sống

Nước ta có 10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Trước thực trạng di cư tự do, UBND các địa phương đã chỉ đạo rà soát, thống kê số lượng người di cư tự do, kết hôn không giá thú trên địa bàn.

Chẳng hạn, theo kết quả khảo sát ban đầu, hiện số người Lào di cư tự do sang huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là 164 hộ với 887 nhân khẩu; huyện Đakrông có 42 hộ dân Lào sang sinh sống với 171 khẩu là dân di cư tự do. Số cặp vợ chồng người Việt Nam và Lào sinh sống với nhau mà không đăng ký kết hôn tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông là 154 trường hợp.

Phần lớn các hộ dân di cư tự do đều gặp khó khăn do không có hộ khẩu, thiếu đất sản xuất, việc học tập của con em gặp trở ngại do thiếu các loại giấy tờ cần thiết… Nhiều gia đình đều bày tỏ mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam, được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế.

Cũng theo số liệu ban đầu, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng hơn 170 hộ với trên 500 khẩu người Lào di cư tự do sang địa bàn tỉnh Quảng Nam và khoảng 50 hộ kết hôn không giá thú giữa người Lào và Việt Nam. Sau khi phối hợp với đại diện tỉnh Sekong rà soát, xác minh số người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Tổ công tác liên hợp tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp rà soát, xác minh số người Việt Nam di cư tự do và kết hôn không giá thú trên địa bàn tỉnh Sekong để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Để giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú đối với người Lào, các Sở Tư pháp cho rằng, quan trọng nhất vẫn là rà soát, xác minh chính xác đối tượng. Từ đó, mới làm thủ tục theo quy định cho những người được phép tiếp tục cư trú hay buộc phải trở về quê hương. Một số địa phương đã có chính sách tạo thuận lợi cho người dân vùng biên giới, đặc biệt là người từ nước bạn Lào trong diện di cư tự do và kết hôn không giá thú.  

Đơn cử, UBND tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ kinh phí về chi phí ăn uống, hỗ trợ thuốc men điều trị bệnh và chuyên chở về lại quê hương cho người dân thuộc diện không được định cư Việt Nam. Ngoài ra, để nhanh chóng tạo điều kiện cho những người được phía bạn trao trả sớm ổn định cuộc sống, Quảng Nam còn rà soát để làm thủ tục cấp đất ở, đất sản xuất cũng như đào tạo nghề cho những đối tượng này, vì đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Cần thúc đẩy tiến độ thực hiện

Đề án thực hiện “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 cũng nêu rõ một trong những mục tiêu là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho số này ổn định cuộc sống, hoà nhập vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nước cư trú hoặc nước gốc (đối với những người không được cư trú, phải về nước); ngăn chặn tổ chức, cá nhân hoặc nhóm người xấu gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự trong vùng biên giới hai nước.

Trong 3 năm thực hiện Thỏa thuận, phải khảo sát, điều tra, phân loại và lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước thành 2 loại: những người được phép cư trú và những người phải trở về nước gốc, báo cáo Trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước phê duyệt.

Đối với những người phải trở về nước gốc, cần thuyết phục, vận động và tổ chức hướng dẫn cho những người không được phép cư trú trở về nước gốc; xác định chi tiết lộ trình giao nhận và thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với đối tượng này trong trường hợp cần thiết; hoàn thành việc xác minh, giao nhận, hỗ trợ làm các thủ tục để chuyển giao, tiếp nhận về người và tài sản của những người do phía Lào trao trả cho ta, hoặc ta trao trả cho Lào; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cho việc định canh, định cư, giúp đào tạo việc làm nhằm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, đơn giản hoá điều kiện, trình tự, thủ tục, lệ phí cấp giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam, đăng ký hộ tịch và các giấy tờ cần thiết khác cho số người do phía Lào trao trả.

Đối với những cặp vợ chồng kết hôn không giá thú, trên nguyên tắc nhân đạo, tôn trọng phong tục tập quán của nhau và quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, hai Bên thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho số này được đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật mỗi nước.

Đối với người di cư tự do sau ngày Thỏa thuận được ký kết (ngày 8/7/2013): tuyệt đối không được xem xét số này và coi họ là người nhập cảnh bất hợp pháp; hai bên thống nhất việc xác minh, giao nhận những người này trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của chính quyền các cặp tỉnh biên giới.

Thỏa thuận này hết hiệu lực ngày 14/11/2016. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, theo Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực (Bộ Tư pháp), 10 cặp tỉnh biên giới hai nước mới chỉ đơn phương tiến hành khảo sát, điều tra, thống kê, lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước mà chưa tiến hành rà soát, đối chiếu song phương để thống nhất danh sách.

Trong khi đó, để giải quyết việc nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch cũng như cấp các giấy tờ cá nhân khác cho người di cư lại phụ thuộc vào danh sách đã được chính quyền các cặp tỉnh thống nhất và Trưởng đoàn đại biểu biên giới phê duyệt. Bởi vậy, Chính phủ hai nước đã cùng nhất trí đề xuất gia hạn Thỏa thuận thêm 3 năm tiếp theo (hiện Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đang hoàn tất thủ tục pháp lý cho việc gia hạn).

Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực lý giải, sự phân công đầu mối thực hiện Đề án tại các địa phương không thống nhất dẫn đến việc gặp khó khăn trong chỉ đạo điều hành, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ rà soát, lập danh sách cũng như việc phân loại theo từng nhóm người di cư đã được nêu tại Thỏa thuận.

Cho đến nay, các địa phương chưa xác định được cách thức thống nhất danh sách, có cần thiết Việt Nam sang Lào, Lào sang Việt Nam để thẩm định lại rồi mới thống nhất danh sách hay không? Nếu phải theo quy trình này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và kinh phí, trong khi nguồn kinh phí chi cho công việc này rất hạn chế nên không thúc đẩy được tiến độ. Do ta chưa có chủ trương trao trả những người di cư từ Lào sau khi ký kết Hiệp định biên giới nên ở một số địa phương, số người di cư từ Lào hiện vẫn tiếp tục, một số cư trú ở ngay huyện biên giới, một số vào sâu trong nội địa, gây phức tạp cho địa phương trong công tác quản lý.

Đọc thêm