Nỗi buồn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

(PLO) - Khi chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ đầu tiên bàn về tháo gỡ vướng mắc trong thi hành Luật Đầu tư (LĐT) và Luật Doanh nghiệp (LDN), mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng toàn đất nước này, thủ tục hành chính (TTHC) phiền phức nhất chính là về môi trường kinh doanh mà chẳng ai chịu trách nhiệm. “Tôi rất buồn”, ông nói.
Nỗi buồn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng buồn một, nhân dân, DN buồn mười vì các TTHC rườm rà hiện nay. Công bằng mà nói, sau 15 năm cải cách môi trường kinh doanh (MTKD) ở Việt Nam đã thông thoáng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các DN vẫn luôn than phiền về TTHC cũng như gánh nặng thuế, phí. Bởi vậy, sự kiện Thủ tướng gặp DN hôm nay được coi là sự kiện nóng, được nhiều DN mong chờ như một cơ hội để tháo gỡ nút thắt còn tồn tại.

Không ở đâu như MTKD ở Việt Nam. DN kêu trời với 7.000 điều kiện kinh doanh, kêu trời vì đơn độc. Sự than phiền lo lắng, thậm chí kêu trời của DN là chính đáng. 

Ngoài rủi ro thương trường, qua thực tế, DN Việt Nam gặp rất nhiều rủi ro xuất phát từ việc không minh bạch, không nhất quán, không lường trước được trong việc thực thi, ban hành các chính sách giữa các bộ với nhau, giữa các địa phương và giữa các cơ quan trên địa bàn địa phương. Thực trạng đó gây ra rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của DN.

Có thể nói DN Việt Nam nhiều khi ở vào thế có nguy cơ vi phạm pháp luật bất cứ lúc nào, thậm chí đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính như chúng ta đã biết. “Vụ án bát phở” ở Bình Chánh, TP HCM là một ví dụ điển hình về “nguy cơ” đó. Đến Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng phải kêu lên: “Vụ Xin Chào ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường đầu tư”.

Do vậy, hơn lúc nào hết việc đầu tiên là DN rất cần sự chia sẻ, thông cảm đồng hành của các cơ quan nhà nước dù là trong cạnh tranh ở thị trường trong nước hay thị trường quốc tế.

Cuộc họp hôm nay của Thủ tướng Chính phủ là một tín hiệu đáng mừng, có ý nghĩa như  “cột mốc” bắt đầu của quá trình chia sẻ, thông cảm, đồng hành cùng với DN.

Hy vọng Chính phủ, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo cảm nhận được tâm trạng của giới DN Việt Nam, từ đó hiểu thêm được sự mong mỏi, kỳ vọng, chờ đợi của DN đối với cải thiện môi trường kinh doanh. Làm sao để giảm rủi ro, giảm chi phí cho hoạt động kinh doanh của DN, để DN Việt Nam ở trong nước cạnh tranh bình đẳng với nhau, giữa DN tư nhân với DN nước ngoài, DN đầu tư nước ngoài. Có một MTKD cạnh tranh bình đẳng và thông thoáng trong nước thì DN mới có thể cạnh tranh ở bên ngoài được.

Phải làm sao rũ bỏ được tư duy “cai trị”, tư duy “ban ơn” sang tư duy phục vụ DN thì DN Việt Nam may ra mới có điều kiện phát triển. Chính phủ hãy thực sự là người bạn đồng hành cùng với họ.

Đọc thêm