Nói hay, cần làm tốt

(PLO) - Tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư biểu dương kết quả đáng ghi nhận tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đồng thời nhấn mạnh việc nói hay là cần nhưng hành động thiết thực cần hơn. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đã có những chuyển biến tích cực trong công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng vừa biểu dương hành động kiến tạo của chính quyền Hà Nội, qua đó, thấy rằng việc xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành động đã được chính quyền địa phương hưởng ứng và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ.

Lâu nay, từ chủ trương đến thực hiện, từ lời nói đến việc làm, từ quy định pháp luật đến việc đi vào đời sống thực tế luôn luôn có một khoảng cách khá xa. Một chủ trương, chính sách tốt đẹp khi đi vào thực tế đã bị làm sai lệch đi và khi đến đối tượng được thụ hưởng thì đã rơi vãi rất nhiều. Câu chuyện về Chương trình 135 là một dẫn chứng mang tính kinh điển về điều này: Trên Trung ương 5, về đến địa phương còn 3, khi đến dân chỉ còn 1.

Bộ Nội vụ đang thực hiện một chương trình thí điểm, thi tuyển lãnh đạo ở các ngành, các cấp và địa phương. Theo đó, thay vì “cử” là “chọn”, tìm ra những người xứng đáng với cương vị đảm nhận, điểm mới là mở rộng đến các trường hợp không thuộc quy hoạch. Đây là một chủ trương tốt, loại trừ việc bổ nhiệm theo “ê-kíp”, “canh hẩu” hay “người nhà”.

Tuy nhiên, điểm cốt tử thuộc về những người thực hiện có thực lòng mong muốn chọn người xứng đáng không. Trước đây, đã thay việc xét tuyển vào biên chế bằng thi tuyển mà tình hình không thể khá hơn, khi người được điểm cao lại không trúng tuyển và đủ các cách thức để người ta chỉ tuyển chọn những người mình muốn tuyển. Tình trạng này hoàn toàn có thể lặp lại ở việc thi tuyển lãnh đạo, rốt cuộc vẫn “chọn người nhà, loại người tài” nếu không có một sự giám sát chặt chẽ và tiến hành nghiêm túc.

Ngay như Thủ đô, ở cái ngành có chức năng tham mưu, sắp xếp đội ngũ cán bộ là Sở Nội chính mà có đến 8 Phó Giám đốc sở, trong khi quy định tối đa là 4 người. Nói hay nhưng thực tế lại khác, đó là một sự thật không thể phủ nhận. Hà Nội hiện tại cũng là điểm nóng đất đai mà ngõ hầu không có động thái giải quyết dứt điểm. Mới nhất là vụ xây nhà cửa, biệt thự trên đất nông nghiệp ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, dân ở đây phản ánh họ phải nộp “bảo kê” 5 triệu đồng/m2 xây dựng, nếu không sẽ bị đình chỉ. Vì thế, cùng một mảnh đất, biệt thự cứ mọc lên bên cạnh cái nhà bị đập bỏ. Làm sao vẫn để thứ “luật rừng” đó tồn tại ngang nhiên giữa Thủ đô được?!

Vấn đề muôn thuở vẫn là “nói đi đôi với làm”. Chủ trương đúng, thực hiện tốt, chính sách được lòng dân, đi vào cuộc sống sẽ mang lại sự ổn định vững chắc cho xã hội và tạo cơ hội để đất nước phát triển.

Đọc thêm