Nữ ĐBQH 'trần tình” việc phản đối luật sư 'né' trách nhiệm tố giác tội phạm

(PLO) - Sau lời phát biểu khá gay gắt tại phiên thảo luận Dự án sửa đổi bổ sung luật Hình sự về trách nhiệm tố giác tội phạm của các luật sư, bà Nguyễn Thị Thuỷ, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (QH) - đã "trần tình" bên hành lang Quốc Hội.
Nữ ĐBQH 'trần tình” việc phản đối luật sư 'né' trách nhiệm tố giác tội phạm

Chia sẻ với phóng viên báo chí bên hành lang QH, bà nói: “Phát biểu của tôi là trên cơ sở vì lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc, vì sự bình yên chung của Nhân dân. Những điều đó cũng cần tiếp tục trao đổi tiếp. Tôi rất lắng nghe các ý kiến, để từ đó có thêm thông tin để phục vụ hoạt động người đại biểu đại diện cho nhân dân ngày càng hoạt động tốt hơn”.

Trước đó, chiều 24/5, tại phiên thảo luận về Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự, ĐB Nguyễn Thị Thủy (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn -  Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của QH) đã dùng quyền tranh luận để đối đáp lại quan điểm của 3 vị đại biểu là luật sư về vấn đề trách nhiệm tố giác tội phạm của người bào chữa. Các ĐB này cho rằng cần loại trừ hoàn toàn trách nhiệm hình sự của người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm kể cả không tố giác tội phạm là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng của thân chủ mình.

Bà Thủy nói: "Chúng ta cần xem xét lại suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước ta, từ thời kỳ phong kiến đến nay. Đối với tội trước đây thời kỳ phong kiến trong các bộ luật của nhà nước phong kiến đều nói tội "bất trung", tội "đại nghịch" luôn luôn được xem là tội nặng nhất cần trừng trị. Mà hiện nay, trong bộ luật của chúng ta gọi là các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đối với những tội này, không thể lấy bất kỳ lí do nào, kể cả lí do về hoạt động nghề nghiệp để cho rằng phải bảo vệ việc này.

Chính vì vậy, Hiến pháp 2013 tại Điều 45 quy định như sau: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân và tại Điều 44 quy định: phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

Chúng ta đã đặt đúng vị trí của vấn đề an ninh quốc gia, vấn đề trừng trị các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia như vậy. Chúng tôi cho rằng nếu như người bào chữa trong quá trình thực hiện hoạt động bào chữa của mình mà biết thân chủ của mình đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm vào các tội khủng bố, tội gián điệp, phạm vào tội phản bội Tổ quốc mà không tố giác vì lý do nghề nghiệp. Chúng tôi cũng đặt một vấn đề, một câu hỏi ở đây nếu như bao che cho những tội phạm này thì liệu có còn quốc gia nữa hay không để chúng ta yên tâm phát triển nghề nghiệp dù đấy là bất kỳ nghề nghiệp nào, không nói đấy là nghề bào chữa?".

Bà Thủy cũng cho biết: Quá trình sửa Bộ luật hình sự năm 2015, Chính phủ có trình một phương án quy định người bào chữa được miễn hoàn toàn trách nhiệm hình sự đối với tội không tố giác tội phạm, tức là còn hơn cả người ruột thịt. Người ruột thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội an ninh quốc gia, đối với các tội đặc biệt  nghiêm trọng. Phương án của Chính phủ trình là miễn hoàn toàn trách nhiệm hình sự và phương án này đã được Ủy ban thường vụ quyết định, xin ý kiến nhân dân.

Qua kết quả lấy ý kiến nhân dân của 63/63 các tỉnh, thành phố, hầu hết ý kiến của nhân dân các tỉnh, thành phố, cơ quan từ trung ương đến địa phương đều phản đối ý kiến này. Thậm chí các ý kiến còn đề nghị phải quay trở lại với Bộ luật hình sự 1999 là khuôn vào người nào chỉ có loại trừ cho người ruột thịt. Qua tổng hợp và trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân, cơ quan soạn thảo cũng đã báo cáo với QH, một mặt tiếp thu ý kiến của nhân dân, nhưng mặt khác cũng giải trình để bảo đảm tính đặc thù của hoạt động nghề nghiệp bào chữa. 

Cho phép áp dụng quy định này, nguời bào chữa cũng giống như người ruột thịt, tức là cũng được miễn hình sự đối với trường hợp không tố giác tội do thân chủ của mình thực hiện là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác.

"Báo cáo với QH là như vậy với bộ luật 2015 chúng ta đã thông qua như vậy, người bào chữa được hưởng chế độ như là đối với người ruột thịt và so với Bộ luật hình sự 2015 mà chúng ta đang thảo luận hiện nay với Bộ luật hình sự năm 1999 là đã có sự thu hẹp một cách rất đáng kể phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa, của Bộ luật 2015 hiện nay so với Bộ luật 1999.

Cụ thể, theo Bộ luật hình sự 1999, người bào chữa sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm đối với 317 tội. Thế nhưng với việc thu hẹp phạm vi của Bộ luật 2015, người bào chữa chỉ còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 83 tội", ĐB Nguyễn Thị Thủy nói. 

Kết thúc bài phát biểu, ĐB Thủy nhấn mạnh, sẽ không thể có những loại trừ, đặc biệt trong một số trường hợp: Tội liên quan đến giết người, đến khủng bố, đến hiếp dâm trẻ em, đến đánh tráo trẻ em dưới một tuổi. "Đối với những tội này, không còn là tội phạm hình sự thông thường nữa, nếu tội phạm này được thực hiện, đó là tội ác", bà Thủy nêu quan điểm.

Luật sư tố giác tội phạm có vi phạm đạo đức nghề nghiệp?

(PLO) - Theo Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, luật sư sẽ phải có trách nhiệm tố giác tội phạm. Nhiều luật sư lo ngại nếu phải tố giác tội phạm sẽ gây khó cho công việc của họ, làm ảnh hưởng đến nghề luật sư.

Luật sư tố giác tội phạm có vi phạm đạo đức nghề nghiệp?

ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu thảo luật góp ý Luật Hình sự

Điều 19 Dự thảo sửa đổi bổ sung luật Hình sự  - khoản 3 – quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của bộ luật này...

Đọc thêm