Phải “bêu tên” đơn vị, xử nghiêm người đứng đầu gây thất thoát lớn

(PLO) - Phát biểu tại Phiên họp thứ 49 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra hôm qua (15/6), nhiều ý kiến mong có những giải pháp quản lý thiết thực đối với tài sản công để thực hành tốt công tác tiết kiệm, chống lãng phí.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Sẽ dôi khoảng 7.000 xe công

Báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước UBTVQH nêu rõ, trong việc mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc, nhất là mua sắm xe ô tô công, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ chỉ thực hiện mua sắm đối với xe ô tô chuyên dùng trong định mức được duyệt; không thực hiện mua xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung. 

Bộ Tài chính đang rà soát và dự kiến, số xe ô tô phục vụ công tác chung sẽ dôi ra khoảng 7.000 xe. Theo đó, số xe này sẽ được điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức hoặc bán, thanh lý thu tiền nộp ngân sách nhà nước (NSNN). 

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện cho rằng còn quá nhiều bất cập trong việc quản lý xe công, bởi vậy cần minh bạch, công khai  hóa tiêu chuẩn định mức sử dụng xe như thế nào để người dân giám sát. Từ đó mới mong thực hành tốt công tác tiết kiệm, chống lãng phí.

Nguồn nhân lực cũng bị lãng phí

Đa số các các ý kiến của UBTVQH đồng tình với báo cáo của Chính phủ đưa ra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP). Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần cụ thể hơn đối với những đơn vị, người đứng đầu làm tốt và chưa làm tốt công tác THTKCLP, từ đó xử lý nghiêm minh người đứng đầu.

“Tôi đề nghị cần danh mục cụ thể, báo cáo cụ thể các trường hợp gây lãng phí, thất thoát lớn NSNN. Ví như, trong mấy tháng nay dư luận bức xúc và đã chỉ cụ thể các trường hợp: Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Lân đạm Ninh Bình… Nếu được cần quy trách nhiệm người đứng đầu và cho biết những người đã từng công tác, hiện giờ đang công tác ở đâu, làm gì khi để xảy ra tình trạng lãng phí đó”- bà Nga nói.

Ngoài lãng phí, thất thoát về ngân sách nhà nước thì việc thất thoát nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được ông Nguyễn Đức Hiền đưa ra. Bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, nguyên nhân chính của việc lãng phí nguồn nhân lực là do nước ta chưa có sự quy hoạch trong vấn đề này. Do vậy, “chúng ta cần đào tạo trọng điểm gắn kết với việc quy hoạch kinh tế, xã hội 5 năm, 10 năm cũng như kế hoạch phát triển kinh tế của các vùng”, bà Hải đề nghị.

Trong năm 2015, thống kê tại các bộ, ngành, địa phương, thực hiện tiết kiệm được 37.925 tỷ đồng, tăng 21.542 tỷ đồng (tăng 231% so với năm 2014), gồm: tiết kiệm trong quản lý, sử dụng NSNN là 9.292 tỷ đồng, tăng 788 tỷ đồng (tăng 110% so với năm 2014); tiết kiệm trong đầu tư xây dựng là 28.633 tỷ đồng (tăng 360% so với năm 2014). 

Tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến ngày 31/5/2015 ước khoảng 86.995 tỷ đồng. Một số tỉnh nợ còn lớn như: Hà Giang 2.412 tỷ đồng, Ninh Bình 3.236 tỷ đồng, Đà Nẵng 1.391 tỷ đồng. 

Đọc thêm