Phải chấm dứt 'chủ nghĩa vị thân' trong công tác cán bộ

(PLO) - Đa số người dân trên phạm vi toàn quốc cho rằng hiện trạng “vị thân” khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Số người cho rằng cần phải “bôi trơn”, “lót tay” để xin được việc làm trong khu vực công tăng lên so với hai năm trước. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo khảo sát Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2016 vừa được công bố đầu tháng 4 cảnh báo, mục tiêu “công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng một bộ máy nhà nước liêm chính, trong sạch, vững mạnh” rất khó đạt được, nhất là khi thân quen và lót tay còn là những yếu tố quyết định sự thành công của một cá nhân khi xin việc vào khu vực công.

 “Chủ nghĩa vị thân” chi phối công tác cán bộ

Như Báo PLVN đã phản ánh về tình trạng “tham nhũng quyền lực” thông qua công tác tổ chức cán bộ (cụ thể là tuyển dụng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ) gây ra nhiều hệ lụy lâu dài, khó giải quyết cho hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Trên hết là làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào hiệu lực bộ máy nhà nước nói chung và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Sau đó là tạo cơ hội cho những hành vi tạo lập “ê kíp”, lạm dụng, lợi dụngg chức vụ, quyền hạn để phục vụ cho các nhóm lợi ích, lợi ích cá nhân.

Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này như nhiều chuyên gia phân tích là do quy định pháp luật còn chồng chéo nhưng lỏng lẻo sinh ra nhiều kẽ hở để “lách”, do tình trạng bao che, nể nang, lợi dụng công tác cán bộ để “trao đổi” lấy những lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân của một bộ phận cán bộ, đảng viên.  Nghiêm trọng nhất là tình trạng này lại rất công khai, ai cũng biết nhưng không phải trường hợp nào cũng bị “chỉ mặt điểm tên”.

Bởi theo phát hiện nghiên cứu PAPI 2016 về “công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” vừa được công bố đầu tháng 4 cho thấy, sáu năm qua (2011-2016) khẳng định mối quan ngại của người dân về vấn nạn của “chủ nghĩa vị thân” và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công thể hiện ở điểm xu thế ổn định ở mức thấp ở chỉ tiêu “quan hệ cá nhân với người có chức, có quyền mới xin được việc trong khu vực công là không quan trọng”. Đa số người dân trên phạm vi toàn quốc cho rằng hiện trạng “vị thân” khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Số người cho rằng cần phải “bôi trơn”, “lót tay” để xin được việc làm trong khu vực công tăng lên so với hai năm trước. 

Trong suốt 6 năm từ 2011 đến 2016, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số này chỉ dao động từ 1 điểm đến 1,3 điểm trên thang điểm từ 0 đến 5 (trong đó 5 là mối quan hệ không quan trọng chút nào). Tiền Giang là địa phương đạt điểm cao nhất ở chỉ tiêu này (2,04 điểm) song cũng chỉ mức dưới trung bình. Ở Lào Cai, đa số người trả lời tin rằng “để xin việc làm trong khu vực công cần có quan hệ cá nhân”, hầu như rất ít người trả lời rằng “không cần quan hệ cá nhân để xin vào làm việc ở năm vị trí công vụ cấp xã/phường”. 

Nếu không “vị thân” thì sẽ cần “lót tay” khi xin việc trong khu vực công. Năm 2016, chỉ khoảng 15% số người trả lời ở Thái Nguyên cho rằng họ không cần phải đưa “lót tay” mới xin được việc làm trong khu vực công, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 66% ở Trà Vinh, tỉnh đạt điểm cao nhất ở chỉ tiêu này. 

Người dân ít lạc quan hơn về hiệu quả kiểm soát tham nhũng

Tình trạng “vị thân”, “lót tay” trong khu vực công đang làm ăn mòn chất lượng và hiệu lực của nền công vụ khiến hành vi nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, thờ ơ, vòi vĩnh ngày càng phổ biến hơn. Cũng theo PAPI 2016, so với những năm trước, có sự gia tăng đáng kể ở tỉ lệ người trả lời cho biết người dân phải đưa “lót tay” để xin việc làm trong cơ quan nhà nước, “chung chi” khi làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất và “bồi dưỡng” cho giáo viên để con em mình được quan tâm hơn ở trường tiểu học, và thấy có hiện tượng cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng. 

Qua khảo sát đánh giá của người dân về mức độ hiệu quả trong kiểm soát một số hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ chính quyền các cấp khi phục vụ người dân và doanh nghiệp cho thấy, người dân ít lạc quan hơn trong đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương so với kết quả của 5 năm trước. Tỉ lệ người trả lời đồng ý với nhận định cho rằng cán bộ chính quyền không sử dụng công quỹ vào mục đích riêng, không vòi vĩnh đòi hối lộ khi làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất hoặc khi thụ lý hồ sơ xin cấp phép xây dựng của người dân tiếp tục giảm.

Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về tiêu cực, nhũng nhiễu trong ngành, trong đó có lĩnh vực làm thủ tục liên quan đến giấy CNQSD đất chỉ có 46% số người được hỏi trên phạm vi toàn quốc cho rằng không cần phải “lót tay” nhưng vẫn làm xong giấy CNQSD đất (tỉ lệ thấp nhất trong sáu năm qua). Ở Hà Tĩnh, 73% số người trả lời đồng ý với nhận định rằng người dân không phải “lót tay” mới làm xong giấy CNQSD đất, trong khi ở Bình Dương tỉ lệ này chỉ là 11%.

Kết quả này cho thấy khu vực công cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và triệt để nhằm ngăn ngừa tập quán tham nhũng, vòi vĩnh đang ngày càng trở nên phổ biến, theo đánh giá của người dân.

Giảm thiểu “vị thân” để chống tham nhũng 

Công tác cán bộ gắn liền với chất lượng đội ngũ và hiệu lực của bộ máy, đồng thời có vai trò quan trọng đối với hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Theo PAPI 2016, những quyết tâm gần đây của bộ máy nhà nước trong việc giảm thiểu tình trạng “vị thân”, chú trọng phát hiện những trường hợp được tuyển vào bộ máy nhà nước bằng quan hệ cá nhân, có thể là nguồn hy vọng về một bộ máy công quyền trong sạch, liêm chính hơn trong thời gian tới. 

Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng một bộ máy nhà nước liêm chính, trong sạch, vững mạnh. Song, “mục tiêu này rất khó đạt được, nhất là khi thân quen và lót tay còn là những yếu tố quyết định sự thành công của một cá nhân khi xin việc vào khu vực công” - báo cáo PAPI 2016 nhận định.

Vì vậy, giảm thiểu tình trạng thân quen (“vị thân”) trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công là cơ hội để bộ máy công vụ hướng tới hiệu quả, kiến tạo phát triển theo như cam kết của Chính phủ nhiệm kỳ hiện nay, góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa ra khỏi bộ máy những người đi lên bằng “quan hệ vị thân”. 

Cụ thể hơn, để ngăn chặn “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ, theo PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cần xây dựng, ban hành và thực thi các quy định về các bước tiến hành các công việc liên quan đến từng khâu của công tác cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch.

“Quy trình hóa trong công tác cán bộ cho phép mỗi tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với từng bước trong từng khâu của công tác cán bộ, giúp cho đảng viên và nhân dân có điều kiện giám sát việc thực hiện. Đồng thời, kiểm soát, giám sát chặt chẽ quá trình thực thi, không để người có quyền hạn lợi dụng những kẽ hở để vận dụng tùy tiện, “lách luật” nhằm trục lợi.” - TS Nguyễn Minh Tuấn đề nghị.

Cùng với đó, làm tốt khâu “đánh giá cán bộ” là tiền đề cho công tác cán bộ song hiện nay đây lại là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ, dẫn đến “tình trạng chạy chức, chạy quyền, thiếu minh bạch và trục lợi trong công tác cán bộ”. Theo TS. Nguyễn Thế Tư - Học viện chính trị khu vực III cho rằng, bố trí, sử dụng cán bộ không đúng sẽ dẫn tới tác hại khôn lường như mất đoàn kết, bè phái, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng xâm hại đến tài sản của đất nước. 

Vì vậy, theo báo cáo PAPI 2016, trước mắt, các cấp chính quyền cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương được đánh giá cao hơn trong việc đảm bảo công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức; giám sát và giảm thiểu các hành vi nhận tiền ngoài quy định khi cung ứng dịch vụ công; ngăn chặn cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi qua các hành vi như vòi vĩnh khi làm thủ tục hành chính cho người dân, sử dụng công quỹ vào mục đích cá nhân và nhận “lót tay” trong tuyển dụng nhân sự vào khu vực công. Có như vậy mới góp phần làm trong sạch bộ máy và tăng cường hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và nền công vụ.

Đọc thêm