Phải có trách nhiệm và đeo bám đến cùng

(PLO) - “Đại văn hào Nguyễn Trãi từng nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, bởi vậy khi xem xét phản ánh, kiến nghị của người dân với Đảng và Nhà nước, chúng ta phải đặt mình vào vị trí người dân và phải có tấm lòng, có trách nhiệm, phải đeo bám sự việc đến cùng chứ không phải nghe xong rồi về”.
Một trong các hình thức hiệu quả để tập hợp, phản ánh ý kiến của nhân dân là thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri.
Một trong các hình thức hiệu quả để tập hợp, phản ánh ý kiến của nhân dân là thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri.

TS. Đỗ Văn Đương - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định như vậy tại buổi Tọa đàm khoa học nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam tổ chức. 

Nói thẳng, nói thật, nói đúng vấn đề

Trước thực trạng nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân không được giải quyết đến nơi đến chốn, ông Đương không khỏi băn khoăn: “Kiến nghị của người dân có đến được cơ quan có thẩm quyền hay không là vấn đề hết sức quan trọng… Trên thực tế tôi thấy có những tập hợp của cơ quan dân cử không đúng ý của người dân. Người ta nói cụ thể nhưng “anh” tập hợp chung chung, nên báo cáo chung chung, đưa ra giải pháp cũng chung chung, vì thế giải quyết cũng được mà không giải quyết cũng được. Trong khi vấn đề quan trọng là phải giải quyết cho được các ý kiến đó… Nếu các ý kiến của cử tri chỉ tổng hợp theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” thì đại biểu Quốc hội, MTTQ  chỉ giống  như chim bồ câu đưa thư”.

Theo vị Phó Trưởng ban Dân nguyện, công tác nắm bắt ý kiến, nguyện vọng của nhân dân phải nói thẳng, nói thật, nói đúng vấn đề. “Một cơ thể bệnh tật thì phải nói rõ bệnh để người ta biết đường cứu chữa, chứ không thể nói rằng tôi đang rất khỏe”. 

Nhắc đi nhắc lại về yêu cầu người cán bộ lãnh đạo “phải có tấm lòng, có trách nhiệm với dân”, ông Đương đề nghị, muốn biết dân nghĩ gì, muốn gì thì phải xuống địa phương để kiểm tra thực tế và trực tiếp nghe dân nói. Không phải lúc nào cũng nghe báo cáo, bởi báo cáo cái gì cũng tốt cả. Phải phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ trong vấn đề giám sát nhằm truyền tải những ý kiến, tiếng nói của người dân đến được với cơ quan có thẩm quyền, nếu không đơn thuần như hiện nay chỉ là tập hợp ý kiến rồi báo cáo thì không có hiệu quả. 

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Đương cho rằng kinh nghiệm ở đâu có người đứng đầu tiếp dân thì dân đến đông hơn, vì họ biết người đó mới có thẩm quyền giải quyết chứ không phải chỉ tiếp thu ý kiến rồi để đấy. Thời gian qua, không ít các quy định của pháp luật vừa mới ban hành đã bất cập, buộc phải sửa đổi mà một trong những lý do là chưa lấy ý kiến của người thụ hưởng chính sách đó, Ông Đương cảnh báo, “cứ ban hành cho kịp, ban hành theo kế hoạch là hết sức nguy hiểm…Làm chính sách nếu không cẩn thận sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn, kìm hãm sự phát triển”. 

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trong thời gian qua có khoảng hở của nắm bắt dư luận xã hội. Luật pháp của chúng ta chưa phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng của người dân, bằng chứng là nhiều văn bản luật mới ra đã phải sửa lại. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Huy Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) cũng nhận định, trong thực tế, việc thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đôi khi thừa thông tin không cần thiết nhưng lại thiếu thông tin phản ánh chân thực, khách quan. Chưa kể có nhiều người ngại nói thẳng, nói thật, nhất là những vấn đề nhạy cảm; đôi khi họ cũng chỉ nói cho lấy lệ… Hay nói như ông Trần Tấn Ngời thì nếu đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần mà vẫn không được cơ quan chức năng để ý, người dân sẽ mất dần niềm tin. “Họ nói làm gì nếu lời nói của họ không được tiếp thu và giải quyết thấu đáo? Vì thế cần có cơ chế nào đó để người dân nói hết những tâm tư, nguyện vọng của mình, qua đó giúp cơ quan chức năng nghiên cứu, góp phần xây dựng đất nước” - ông Ngời nói.

Phản ánh một thực tế khác, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết, quá trình giải quyết những điểm nóng ở địa phương, nhiều khi Hội Phụ nữ không được tham gia từ lúc ban đầu, như vấn đề định giá tài sản… nhưng khi có khó khăn, có chống đối thì chính quyền và các cơ quan chức năng lại nhờ đến Hội phụ nữ vào làm công tác tư tưởng. Vì thế, bà Hương cho rằng điều này “rất khó khăn để nắm bắt tình hình”.

Đeo bám đến cùng vụ việc

Để có thể trả lời, giải đáp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, theo ông Đỗ Văn Đương, Chính phủ cần sớm có quy định về tiêu chí và phân loại việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo các nhóm vấn đề đã, đang, sẽ giải quyết và các kiến nghị giải trình cung cấp thông tin đến cử tri; đồng thời xác định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; hạn chế tối đa tình trạng “nợ đọng” việc giải quyết. Xác định việc giải quyết, trả lời đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri và nhân dân là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của Bộ trưởng, Trưởng ngành, cơ quan, đơn vị. 

Bên cạnh đó, cần đổi mới vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam; đưa các hoạt động giám sát đi vào thực chất, có kiến nghị xác đáng sau giám sát, đặc biệt quan tâm giám sát các nội dung bức xúc có liên quan đến lĩnh vực mà đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, kiến nghị, đeo bám đến cùng việc giải quyết. 

Nhấn mạnh đến tính chính xác, kịp thời và giải quyết thấu đáo những kiến nghị của nhân dân sẽ tạo được niềm tin và sự đồng thuận cao trong xã hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cho rằng cần có sự thống nhất về phương pháp thực hiện cũng như nội dung triển khai để khắc họa rõ nét hơn ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Dù có nhiều góc độ khác nhau nhưng trước tiên phải làm rõ những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, gắn bó với từng tầng lớp cụ thể và lý giải được vì sao nhân dân lại suy nghĩ như thế. Người đứng đầu Mặt trận cũng đề nghị cần nghiên cứu về xu hướng và mức độ quan tâm của nhân dân đối với từng vấn đề ra sao, nhân dân đang suy nghĩ, quan tâm về vấn đề gì? Tại sao nhân dân lại suy nghĩ như vậy?

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý: “Không phải chính sách nào cũng được người dân ủng hộ nhưng dứt khoát một chính sách tốt thì phải được đa số người dân ủng hộ”. Do đó, trong việc xây dựng chính sách, cần nắm được tâm tư, suy nghĩ, nhu cầu của người dân, nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng, chi phối bởi chính sách đó. Chẳng hạn khi xây dựng chính sách nông nghiệp, y tế thì phải nắm bắt được tình hình nhân dân một cách chính xác, đồng thời thông qua điều tra xã hội học để trả lời cho được câu hỏi người dân mong muốn gì ở lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Đối với những chính sách dài hạn 5-10 năm, trong quá trình triển khai có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Nắm bắt tình hình nhân dân về góc độ chính sách phải được quan tâm thực hiện từ khi hình thành chính sách, thực hiện chính sách, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách. 

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cũng đề nghị, quá trình nắm bắt, đánh giá kiến nghị của nhân dân với Đảng và Nhà nước thì ý kiến ghi nhận phải có tính đại diện, phải có cảm biến xã hội tương thích với đối tượng (chẳng hạn đánh giá và ghi nhận ý kiến của nông dân phải có Hội Nông dân; thu thập ý kiến của phụ nữ phải là Hội Phụ nữ…). Không chỉ vậy, ngoài việc thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, thông qua điều tra xã hội, qua các cảm biến xã hội, ông Nhân cũng đặc biệt lưu ý đến các diễn đàn xã hội, để thông qua không gian mạng, môi trường internet… thu thập được ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách nhanh nhất. “Môi trường điện tử là một kênh tiếp nhận thông tin rất quan trọng. Các trang tin điện tử của Mặt trận địa phương có thu hút người dân phản ánh vấn đề và có thu thập được ý kiến của người dân hay không? Về lâu dài, Mặt trận phải quan tâm đến phương tiện này” - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đọc thêm