Phải dừng dự án lấn sông Đồng Nai chờ quyết định của Thủ tướng

(PLO) - Dư luận thời gian qua bức xúc trước việc sông Đồng Nai bị lấn để làm dự án khu đô thị “phố trên sông” Pegasus Residence sẽ làm thay đổi dòng chảy, tác động xấu đến môi trường nước của dòng sông.
Khu vực sông Đồng Nai bị lấp hiện rõ trên Google map
Khu vực sông Đồng Nai bị lấp hiện rõ trên Google map
Sau khi dư luận và giới khoa học phản ứng, ngày 28/3 dự án này phải tạm dừng, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ TN&MT đã vào cuộc làm rõ các vấn đề đặt ra liên quan đến dự án. 
Trước báo giới, hôm qua (25/5), Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy thông tin, diện tích tổng thể của dự án là 8,4ha, trong đó có 7,7ha là phần đất lấn ra sông Đồng Nai. Chỗ lấn rộng nhất xấp xỉ 100m, còn chỗ hẹp có đoạn 20m, 30m, có đoạn 50m. Đoạn kè lấn sông của dự án này hiện nay có chiều dài ước lượng khoảng 600m và khối lượng san lấp trên tổng 7,7ha ước tính 70% là đất đá.  
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải,  Bộ TN&MT đã chủ trì và phối hợp với 3 Bộ là: NN&PTNT, Xây dựng, GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai cùng một số cơ quan liên quan để kiểm tra việc thực hiện dự án. Theo đó, Bộ TN&MT đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan tới dự án, mời chuyên gia và lập tổ công tác liên ngành khảo sát khu vực dự án. 
Mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động mời tư vấn chuyên ngành là Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động; Viện Thủy lợi và Môi trường (Đại học Thủy lợi) để thẩm tra báo cáo trước khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động dòng chảy làm cơ sở căn cứ khoa học để triển khai dự án, thế nhưng theo đại diện của Bộ TN&MT, báo cáo này lại chưa lấy ý kiến của chính Bộ TN&MT, ý kiến của các nhà khoa học và đặc biệt ý kiến của các địa phương trên lưu vực sông Đồng Nai (11 địa phương). 
“Báo cáo này chưa làm rõ hoặc chưa được nghiên cứu đánh giá đầy đủ, nhiều nội dung chưa đạt. Có nội dung làm rồi nhưng còn sơ bộ, chưa rõ để làm sao định lượng tác động của dự án tới các vấn đề thoát lũ, lưu thông của dòng chảy để làm căn cứ triển khai dự án. Ở dự án này, rõ ràng việc đặt bài toán và giải bài toán chưa toàn diện, chưa đầy đủ, đặc biệt là các trường hợp có lũ lớn ở thượng nguồn, thứ hai là lũ lớn kết hợp với triều cường ở hạ du cộng với các hồ lớn xả lũ. Ngoài ra, cũng chưa đánh giá tính ổn định của dòng dẫn trên toàn tuyến sông...”, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho hay.  
Vấn đề số liệu cũng đáng lo ngại. Theo Cục trưởng Bẩy, số liệu của cơ quan tư vấn đưa ra chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, nhất là số liệu địa hình, số liệu thủy văn. Vì thế, kết luận của cơ quan tư vấn cho rằng “không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không gây ảnh hưởng sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận” là thiếu cơ sở khoa học tin cậy để có thể triển khai dự án. “Báo cáo sơ bộ này chỉ phù hợp với giai đoạn quy hoạch, hình thành ý tưởng dự án”, ông Bẩy đánh giá.  
Theo đại diện Bộ TN&MT, để đảm bảo và có đầy đủ căn cứ khoa học, dự án lấn sông sẽ tác động đến khả năng thoát lũ, đảm bảo lưu lượng dòng chảy và đảm bảo an toàn bờ sông trên toàn tuyến sông Đồng Nai như thế nào, đặc biệt là trong tình huống có lũ lớn, kết hợp với triều cường kết hợp với các hồ lớn xả lũ, cần thiết phải có một “ông” tư vấn có năng lực, có uy tín để tiếp tục nghiên cứu tính toán lại xem có triển khai dự án nữa hay không? 
Theo ông Bảy, trước khi có những cơ sở khoa học một cách nghiêm túc nhất được các cơ quan chuyên môn đưa ra, giai đoạn này cần thiết phải dừng dự án để chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng. 

Đọc thêm