'Phải phạt gấp 100 lần số tiền 'lách luật' thu được'

(PLO) - Đó là khẳng định của ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khi đề cập đến tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy nội địa đang xảy ra phổ biến ở nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Theo ông, chúng ta cần có những hành động và giải pháp cụ thể nào để hạn chế mức thấp nhất  những vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa như vụ chìm tàu trên sông Hàn (Đà Nẵng) mới đây?

- Muốn giải quyết triệt để thì chúng ta phải tập trung vào các giải pháp để nâng cao ý thức của từng công dân trong quá trình tham gia giao thông cũng như trong quá trình tổ chức hoạt động kinh tế và các công tác quản lý nói chung. Chúng ta không thể dùng các giải pháp xử phạt để thay thế công tác quản lý. Bên cạnh đó phải có giải pháp nâng cao, phát triển văn hóa giao thông trong đường thủy và đường bộ.

Song song với việc xử lý những sai phạm cũng phải tuyên truyền giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho nhân dân, tức là phải làm luôn công tác giáo dục trong quá trình xử lý vi phạm chứ không phải xử lý vi phạm chỉ để thu tiền.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia

Tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy nội địa đang là báo động “đỏ”, mà một trong những nguyên nhân cơ bản là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và ý thức không tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông. Ông nhận định như thế nào về ý kiến trên?

- Đổ cho vấn đề buông lỏng quản lý thì không phải, mà nói do ý thức người tham gia giao thông kém cũng chưa đúng. Bởi hiện nay cả hệ thống chính trị của Việt Nam đều đang “lăn” vào để giải quyết vấn nạn giao thông, cả đường thủy và đường bộ. Theo tôi, để đảm bảo an toàn, công tác kiểm tra và kiểm soát phải được thực hiện thường xuyên. Song song với những biện pháp chủ động thì chúng ta cũng phải có những biện pháp thụ động để xử lý được vấn đề này. 

Vậy theo ông, để giảm thiểu các vụ tai nạn đường thủy thương tâm, ngoài vấn đề quản lý, giáo dục thì các cơ quan chức năng trong thời điểm hiện nay phải làm gì?

Để giải quyết vấn đề theo kiểu “chữa cháy” khi vụ việc đã xảy ra rồi thì công việc đầu tiên là phải xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo tính răn đe, làm gương cho đối tượng khác.

Chế tài xử phạt cũng phải có tác dụng phòng ngừa như mức phạt phải gấp 10, thậm chí 100 lần số tiền mà chủ phương tiện thu được khi “lách luật”. Ngoài ra, nếu chủ tàu không đủ tiền để nộp phạt, chúng ta phải bổ sung, thay đổi việc xử phạt bằng tiền bằng hình thức ngồi tù hoặc đi lao động công ích, cải tạo.

Theo tôi, phạt công ích là rất tốt vì người vi phạm vừa giữ được lý lịch trong sáng, vừa đảm bảo thay đổi ý thức của doanh nghiệp.

Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm