Phải tăng Đại biểu chuyên trách ít nhất 40%

(PLVN) - Hôm qua (12/11), Quốc hội (QH) cũng thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. Đa số các Đại biểu (ĐB) đều cho rằng, để nâng cao chất lượng của QH, điều tiên quyết là phải tăng ĐB chuyên trách ít nhất 40% trên tổng số các ĐBQH. 
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết ngân sách 2020.
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết ngân sách 2020.

ĐBQH không nên là công chức hành pháp, tư pháp

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho biết, khi thông qua Luật Tổ chức QH, các ĐB Khóa XIII hẳn sẽ kỳ vọng chúng ta sẽ đáp ứng 35% ĐBQH chuyên trách, nhằm tháo gỡ những bất cập được chỉ ra, song dù rất nỗ lực không đạt được yêu cầu.

Cụ thể, trong tổng số 483 ĐB, chúng ta chỉ có 167 ĐB chuyên trách, nếu 316 ĐB kiêm nhiệm dành cho QH đúng 1/3 thời gian với cách quy đổi đơn giản sẽ thấy thực chất chỉ có hơn 260 ĐB hoạt động toàn thời gian. “Trên thực tế, ĐB kiêm nhiệm dành hết 2 tháng cho kỳ họp và tiếp xúc cử tri, tiếp công dân… và các hoạt động khác tại địa phương thì không có ý nghĩa gì nhiều trong quỹ thời gian còn lại. Số ĐB chuyên trách không đạt, ĐB kiêm nhiệm vì nhiều lý do khó bảo đảm cả về chất lượng và thời gian”.

ĐB Nhân cho rằng, chính vì điều này, việc đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của QH là bài toán nan giải, nếu tăng ĐB chuyên trách là chìa khóa nâng cao chất lượng hoạt động QH thì không còn lý do gì để QH do dự. 

Theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu), qua tổng kết thi hành Luật thì việc tăng thêm ĐB chuyên trách đã tạo thuận lợi hơn trong kiện toàn bộ máy của QH, các ĐB chuyên trách đã khẳng định vai trò nòng cốt trong hoạt động của QH. Nhưng QH khoá XIV cũng chỉ có 34,5% là ĐB chuyên trách.

Do đó, ĐB Tuyết đề nghị làm rõ lý do không đạt được tỷ lệ ĐB chuyên trách để khắc phục. Với định hướng “giảm hợp lý số ĐB ở các cơ quan hành pháp, tư pháp”, ĐB Tuyết cho rằng, nên quy định rõ tỷ lệ giảm tối thiểu 40% để có ngưỡng phấn đấu cụ thể.

Đồng quan điểm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, ĐB là trung tâm của QH, là chủ thể đại diện thực sự cho nhân dân và cử tri cả nước. Chính vì vậy, chất lượng ĐBQH phụ thuộc vào tiêu chuẩn và cách lựa chọn. Theo ĐB Nhưỡng, ĐB không thể và không nên là công chức hành pháp, tư pháp.

Vì như vậy khó có thể thực hiện triệt để nguyên tắc hiến định quyền lực nhà nước thống nhất, sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan, lập pháp, hành pháp, tư pháp. “ĐBQH là người của dân, trước hết từ nhân dân và do nhân dân lựa chọn. ĐB dân cử là chính khách và không nên bị ràng buộc bởi ngành mà chỉ bị ràng buộc bởi cử tri”, ĐB Nhưỡng nói và cho rằng, điều này rất cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền chủ trương để thực hiện theo hướng không nặng về cơ cấu ngành mà theo hướng đủ năng lực, phẩm chất, sức khỏe, uy tín...

ĐB Trần Thị Hoa Ri (Bạc Liêu) cho rằng việc tăng số lượng ĐB chuyên trách cần quan tâm tới 3 vấn đề. Thứ nhất, ĐB cần thực sự yêu thích, tâm huyết với công tác dân cử. Thứ hai, ĐB phải là người có đủ bản lĩnh trong nghị trường. Thứ ba, ĐB cần có chỗ làm thoải mái, phù hợp và được đào tạo thường xuyên liên tục.

Đề nghị QH họp 4 kỳ mỗi năm

Đề cập đến hoạt động của các kỳ họp QH, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề xuất nghiên cứu QH họp 4 kỳ một năm, mỗi kỳ 2 tuần để có thể giải quyết kịp thời hơn các vấn đề nóng bỏng, bức xúc của cử tri xã hội.

“Có những vấn đề cử tri bức xúc từ tháng 7, nhưng đến tận tháng 5 năm sau QH mới họp thì QH đã xuất hiện những vấn đề khác”, ĐB Hiểu phân tích. Cũng theo ĐB Hiểu, hầu hết ĐB là kiêm nhiệm, mà kiêm nhiệm thì phải tập trung vào chuyên môn. Nếu QH họp 2 tuần mỗi kỳ thì các ĐB dễ dàng sắp xếp bố trí thời gian thực hiện công việc của mình, tránh được ĐB nghỉ nhiều.

“Về mặt tâm lý và sức khỏe cũng tốt hơn cho các ĐB, giúp họ hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm với cử tri, nhân dân, nhất là với các ĐB kiêm nhiệm”, ĐB Hiểu nói.

Nhiều ĐB cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung nâng cơ quan Dân nguyện và Ban công tác đại biểu thành cơ quan của QH. Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, “QH là cơ quan ĐB cao nhất của nhân dân nhưng QH không lập ra một cơ quan trực tiếp để chăm sóc nguyện vọng của người dân, đây là điều rất đáng suy nghĩ”.

Chia sẻ tầm quan trọng của công tác dân nguyện, ĐB Y Khút Niê (Đắk Lắk) cũng đề nghị nâng cấp 2 ban thuộc Ủy ban Thường vụ QH hiện nay là Ban Dân nguyện và Ban công tác ĐB thành cơ quan trực thuộc QH, tương đương Văn phòng QH, vì đây là hai mảng công việc hết sức quan trọng. 

Tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng

 Hôm qua, với 451/453 đại biểu tán thành (93,37%), QH đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Theo đó, QH giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020.

QH yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.

Đọc thêm