Phải thay ngay những cán bộ có uy tín giảm sút

(PLO) - Một khi nhân dân không hài lòng về năng lực, phẩm chất của người cán bộ hoặc sự hài lòng của nhân dân đối với cán bộ đó giảm sút thì đây là một trong các cơ sở để Đảng xem xét, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém cả đức và tài.

Ông Nguyễn Viết Thông.
Ông Nguyễn Viết Thông.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương khi phân tích, làm rõ những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra trong công tác đánh giá cán bộ.

Đánh giá cán bộ phải hàng tuần, hàng ngày

Nhận xét về công tác đánh giá cán bộ thời gian qua, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương thẳng thắn: “Đánh giá cán bộ là đánh giá một con người, mà đánh giá một con người thì không hề dễ dàng. Về nguyên nhân chủ quan tức là cách đánh giá như thế nào để chính xác nhất thì chúng ta ảnh hưởng bởi tư tưởng Á Đông, nhiều khi quan niệm “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” nên dễ xuê xoa, bỏ qua những khuyết điểm của nhau, thậm chí không dám nói khuyết điểm. Do đó, đánh giá cán bộ không thực chất tồn tại nhiều năm nay. Nói như vậy để thấy rằng, đánh giá cán bộ không đúng sẽ dẫn đến hậu quả to lớn và làm cho đội ngũ cán bộ của chúng ta không thể sửa chữa khuyết điểm để vươn lên.

Ngoài ra, chúng ta cũng chưa đưa ra những tiêu chí đánh giá cụ thể. Lâu nay chúng ta hay nói đến việc đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, hoàn thành nhiệm vụ… nhưng đều là những quy định chung chung. Ngay cả phiếu đánh giá hàng năm, dù có các thang điểm cụ thể, nhưng theo tôi còn thiếu những tiêu chí rõ ràng...Tất cả những hạn chế đó làm cho công tác đánh giá cán bộ của chúng ta chưa đi vào thực chất. 

Nhìn nhận rõ những tồn tại trên, Nghị quyết 26 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra giải pháp đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều… Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Ông có thể phân tích một cách cụ thể về các giải pháp này?

- Hội nghị Trung ương 7 khóa XII khi bàn về công tác cán bộ thì một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Nội dung đổi mới lần này là đánh giá liên tục, đánh giá hàng năm, hàng quý, hàng tháng, thậm chí hàng tuần và nếu tốt hơn nữa thì đánh giá hàng ngày, từ đó xem “anh” đã hoàn thành công việc đến đâu, phẩm chất đạo đức như thế nào.

Khi đánh giá đa chiều, tức là không chỉ từng cá nhân tự đánh giá, tổ chức đánh giá, cấp trên đánh giá, cấp dưới đánh giá mà còn trong Đảng đánh giá, ngoài xã hội đánh giá. Hay nói hình ảnh theo toán học là đánh giá 360 độ. Tương tự, đánh giá cụ thể bằng sản phẩm là tùy theo những vị trí được giao, sản phẩm của “anh” là gì phải được thể hiện rõ trong các tiêu chí và có thước đo cụ thể. 

Vấn đề quan trọng là sau khi đánh giá phải công khai kết quả cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân biết cán bộ đó đã được đánh giá đúng và khách quan chưa, bản thân cán bộ được đánh giá cũng tự thấy mình đã đáp ứng được yêu cầu như thế nào. Trước đây chúng ta quan niệm đây là công việc nội bộ của Đảng nên không công khai. Ví dụ, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn thì công khai trên báo chí nhưng lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng thì chưa công khai trên báo chí, ngay cả chưa công khai cho cán bộ, đảng viên. Lần này, Đảng đã đưa ra giải pháp công khai kết quả, đó là điều người dân rất mong đợi; còn hình thức như thế nào thì sẽ có quy định cụ thể, tránh trường hợp như lâu nay khi chúng ta chưa công khai kết quả thì các nguồn tin từ mạng xã hội lại biết, đó là vấn đề. Tại sao chúng ta không chủ động thông tin mà lại để cho mạng xã hội thông tin về kết quả đó, việc thông tin đó có chính xác không?

- Giải pháp lần này cũng đặc biệt nhấn mạnh gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Thời gian qua chúng ta để xảy ra tình trạng - tuy không phải phổ biến - đó là một cán bộ làm lãnh đạo tuy hoàn thành nhiệm vụ chưa thật tốt nhưng lại được bổ nhiệm, đề bạt ở mức độ cao hơn, đây chính là một nghịch lý. Nếu một cán bộ có tài năng, đức độ thì “anh” phải đem lại những kết quả tốt khi thực hiện nhiệm vụ, còn một khi để địa phương, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ thì đội ngũ cán bộ, là gốc của mọi công việc phải chịu trách nhiệm.

Vì vậy, những phương pháp đánh giá cán bộ mà Nghị quyết 26 đề ra, theo tôi đó là những phương pháp đúng. Nếu làm nghiêm túc thì sẽ không có kẽ hở cho đánh giá xuôi chiều, chúng ta sẽ khắc phục được khâu yếu nhất lâu nay. 

Chưa làm đã nghi ngờ thì sẽ không được việc

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:“Dựa vào dân để xây dựng Ðảng”. Nghị quyết 26 cũng nhấn mạnh việc phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Theo ông, công việc này phải thực hiện ra sao để đem lại hiệu quả?

- Đề cập đến vai trò của nhân dân trong công tác cán bộ, Nghị quyết 26 chỉ ra 3 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp nghiên cứu mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp. Nếu chúng ta triển khai nội dung này rộng khắp thì bản thân người cán bộ được nhân dân đánh giá cao cũng vững tin mà tiếp tục phấn đấu vươn lên, với những cán bộ uy tín còn thấp cũng tự soi lại mình để sửa chữa, khắc phục. Một khi người cán bộ mà nhân dân không hài lòng hoặc sự hài lòng của nhân dân đối với cán bộ đó thấp thì bây giờ không phải đợi đến hết nhiệm kỳ, dư luận nhân dân sẽ đòi hỏi phải thay ngay. 

Bởi vậy, việc mở rộng hình thức lấy ý kiến nhân dân là một trong các cơ sở để Đảng xem xét, thay thế kip thời những cán bộ yếu kém về cả đức và tài. Trước đây chúng ta cũng đã làm nhưng ít thay thế được, trong các quy định về cán bộ công chức cũng nói rõ: nếu 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cho thôi việc, nhưng trong lịch sử đã cho thôi việc ai chưa? Chưa cho thôi ai được, mặc dù ai cũng nói với nhau là ông nọ, bà kia không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng đến khi bỏ phiếu cho nhau thì đều hoàn thành nhiệm vụ.

Với quy điịnh mới trong Nghị quyết 26, tôi tin nhân dân sẽ đánh giá một cách khách quan. Cũng có ý kiến lo ngại việc cán bộ sẽ mua chuộc ý kiến nhân dân, nhưng một người cán bộ không thể mua chuộc được tất cả nhân dân. Đương nhiên trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm sao bớt kẽ hở, đừng có cái gì cũng nghi ngờ. Chưa làm đã nghi ngờ thì không mạnh dạn làm được việc gì. 

Thưa ông, với những giải pháp, quyết sách mà Nghị quyết 26 đã đề ra về công tác đánh giá cán bộ, ông có kỳ vọng gì trong thời gian tới?

- Tôi tin những giải pháp này sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn. Vì sao tôi tin? Đó là trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có quyết tâm chính trị rất cao, đang thực hiện phương châm nói đi đôi với làm, đặc biệt là trong việc đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nói như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “lò chống tham nhũng đã nóng rực rồi, chúng ta cũng đã cho nhiều củi vào lò và sẽ còn tiếp tục cho củi vào tiếp”. Tất nhiên, việc cho củi vào lò thì không ai mong muốn, nhưng với những sai lầm, khuyết điểm thì phải xử lý nghiêm. Việc phát hiện, khởi tố những vụ án tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa rồi làm nức lòng nhân dân và chừng mực nào thì nhân dân đã tin Đảng và chế độ hơn.

 Cái tin hơn nữa là trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện quyết liệt: kinh tế năm 2017 tăng cao, quý I năm 2018 tăng cao nhất trong 10 năm qua, tháng 4, tháng 5 lại tiếp tục tăng. Điều đó khẳng định Đảng ta không nói suông mà đã có những giải pháp cụ thể, giữ vững sự ổn định xã hội nhằm xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh đã có chuyển biến. 

Tôi cũng tin ở quyết tâm của Bộ Chính trị và tin ở nhân dân. Nhân dân ta luôn có ý thức xây dựng Đảng và Nhà nước, vì thế họ đòi hỏi Đảng phải đổi mới, hay nói cách khác là không đổi mới không được. Thời kỳ đổi mới, chúng ta đã thống nhất chủ trương “đổi mới hay là chết”, bây giờ cũng là giai đoạn “đổi mới hay là chết”. Nếu không thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương gần đây về xây dựng Đảng thì như lời cảnh báo cha ông ta đã dạy: “Chở thuyền là dân, mà lật thuyền cũng là dân”, do vậy đã đến lúc phải đổi mới, không đổi mới không được để từ đó đưa những quyết sách của Trung ương đi vào cuộc sống.

Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm