Phải thực hiện quy định cấm bán rượu, bia sau 22h

(PLO) Về quy định cấm bán rượu, bia sau 22h, một thời gian gây xôn xao trong dư luận về tính bất khả thi, - TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, quy định này sẽ vẫn phải thực hiện. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đã cho ra đời các quy định tương tự liên quan đến phòng chống tác hại của rượu, bia.
Bộ Y tế vẫn bảo lưu quy định “cấm bán rượu, bia sau 22 giờ”. Ảnh minh họa.
Bộ Y tế vẫn bảo lưu quy định “cấm bán rượu, bia sau 22 giờ”. Ảnh minh họa.

Thông tin trên được nêu ra tại hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam và giới thiệu Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” vừa được Bộ Y tế tổ chức sáng qua (26/9) tại Hà Nội.

Cha mẹ nghiện rượu bia, con tự kỷ?

Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể nào về mối liên quan giữa các bệnh tâm thần ở trẻ em (trong đó có hội chứng tự kỷ ở trẻ) với bia, rượu, nhưng theo nhận định của bác sỹ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, từ các ca bệnh thực tế ở bệnh viện và thói quen, tiền sử sử dụng rượu, bia của cha mẹ các bệnh nhi các bác sỹ nghi ngờ có mối quan hệ nhân quả giữa rượu, bia và các chứng bệnh này. 

Không chỉ có vậy, bác sỹ Lý Trần Tình cũng cảnh báo, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia có thể hình thấp bé nhất thế giới, một trong những nguyên nhân là do tác hại của việc lạm dụng bia, rượu. Các rối loạn tâm thần thường gặp do rượu là ảo giác (52,4%); hoang tưởng (42,9%); khó ngủ hoặc ít ngủ (100%). Dạng rối loạn do rượu thường gặp và nặng nề nhất là sảng rượu (chiếm 20-30% các trường hợp rối loạn do rượu điều trị nội trú tại bệnh viện).

Sảng rượu thường gặp ở lứa tuổi trên 30 với các biểu hiện chính là rối loạn ý thức, ảo giác nhất là ảo thị, ảo thanh, ảo giác xúc giác, hoang tưởng bị truy hại, bị theo dõi, cảm xúc không ổn định, hốt hoảng và các triệu chứng cơ thể, thực vật nặng nề…

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lo lắng cho hay, Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á về sử dụng rượu, bia; đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về sử dụng bia, rượu (theo nghiên cứu mới nhất). Hiện, chúng ta có tới 77,3% nam giới và 11% nữ giới sử dụng rượu, bia, trong đó sử dụng ở mức độ nguy hại chiếm tới 44,2%. Độ tuổi sử dụng rượu, bia ngày càng trẻ hóa; nhiều người trong độ tuổi 55 - 69 tuổi còn sử dụng thứ “ma men” này mỗi ngày. Nhiều vụ tai nạn thương tâm cũng đã xảy ra do lạm dụng bia, rượu. Và bia, rượu là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong ở Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang phải đối mặt bởi sự gia tăng ngày càng chóng mặt của bệnh nhân mắc ung thư  do lạm dụng thứ độc dược này. Thực tế trên cho thấy, những tác hại của rượu, bia đã trở nên quá nghiêm trọng và đó là lý do chính đáng khiến chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

70 nước cấm bán rượu, bia sau 22h

Bổ sung thêm cho nhận định này của Thứ trưởng Bộ Y tế, TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, tại một Hội thảo về vấn đề tác hại của rượu, bia được tổ chức mới đây ở nước ngoài, không ít chuyên gia nước bạn đã phải “sởn da gà” sau khi nghe một báo cáo về tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam và những hậu quả do rượu, bia mang lại. 

Đề cập tới lộ trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, Ban soạn thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang gấp rút hoàn thiện dự thảo luật để trình Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 11/2016. Sau đó trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong năm 2017 để kịp thời phê duyệt và ban hành vào năm 2018.

Về quy định cấm bán rượu, bia sau 22h, một thời gian gây xôn xao trong dư luận về tính bất khả thi, ông Quang cho hay, quy định này sẽ vẫn phải thực hiện. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đã cho ra đời các quy định tương tự liên quan đến phòng chống tác hại của rượu, bia. Với quy định cấm bán rượu, bia sau 22h, hiện cũng đã có tới gần 70 nước triển khai áp dụng và rất hiệu quả. 

Theo phân tích của lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nhiều nghiên cứu cho thấy, từ 22 - 24h là khoảng thời gian cơ địa của con người phải ngơi nghỉ để tái tạo sức lao động. Trong khi đó, chúng ta lại dùng thời gian “vàng” đó cho việc vui chơi, sử dụng các chất gây nghiện là rất có hại cho sức khỏe. Thêm vào đó, quãng thời gian này, nếu sử dụng rượu, bia sẽ có hại rất lớn cho hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa…, đặc biệt rất dễ gây nghiện các chất kích thích lúc đó. 

Tuy nhiên, để xây dựng có hiệu quả quy định này, chúng ta cần phải nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các nước đã triển khai có hiệu quả quy định nêu trên. Muốn quy định này đi vào cuộc sống, theo ông Quang, tùy điều kiện, quy định sẽ có cơ chế “mở” đối với những khu vực kinh doanh, du lịch đặc thù, có đông người nước ngoài sinh sống và hoạt động, để làm sao “vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội”, ông Quang nhấn mạnh, nhất là khi TP Hà Nội vừa “nới lỏng” giờ hoạt động của các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí tại một số khu vực đến 2 giờ sáng.

Đọc thêm