Phải tôn trọng khi ý người dân đã quyết

(PLO) - Thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân chiều qua (3/6), nhiều Đại biểu Quốc hội tỏ rõ băn khoăn với nhiều quy định của Dự thảo, đặc biệt là những vấn đề trưng cầu, cơ quan trưng cầu và kết quả trưng cầu.
ĐB Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang)
ĐB Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang)
Mức độ thế nào là quan trọng?
Theo Điều 6 Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân (TCYD) thì những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định TCYD là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Đại biểu (ĐB) Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng nếu quy định các vấn đề TCYD rộng quá thì sẽ suốt ngày loanh quanh chỉ lấy ý kiến nhân dân mà không còn thời gian làm các việc khác. 
Tuy nhiên, quy định như Dự thảo khiến ĐB Trường rất băn khoăn: “Hiến pháp chỉ sửa một, hai điều mà đem ra trưng cầu thì không ổn. Nên chăng chỉ trưng cầu Hiến pháp trong 2 trường hợp: Hiến pháp sửa đổi hoặc Hiến pháp mới thì sẽ TCYD. Ngoài ra những vấn đề lớn có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và dân tộc cũng cần trưng cầu và Dự thảo không nên quy định cụ thể những vấn đề TCYD”.
Nhiều ĐB đồng tình với ĐB Trường, cho rằng Luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra TCYD. Bởi vấn đề đưa ra TCYD là những vấn đề quan trọng của đất nước và việc đưa vấn đề nào ra TCYD thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nếu quy định quá cụ thể có thể sẽ không bao quát hết được.
Nhận xét Dự thảo Luật “còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ”, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đặt câu hỏi, quy định như Điều 6 Dự thảo Luật “những vấn đề quan trọng khác được TCYD sẽ được hiểu như thế nào, là vấn đề ảnh hưởng lợi ích quốc gia, của đông đảo nhân dân hay mức độ thế nào được coi là quan trọng”. ĐB Tuyết đề nghị phải làm rõ, nếu không sẽ khó trong việc áp dụng.
Tuy nhiên, vấn đề này ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) lại có quan điểm khác khi cho rằng Điều 6 nên quy định tương đối cụ thể các vấn đề TCYD để Luật dễ đi vào cuộc sống. “Nếu quy định chung là TCYD những vấn đề quan trọng như Hiến pháp cũng không được, như TCYD về Hiến pháp nhưng không có nghĩa tất cả các điều luật trong Hiến pháp đều phải TCYD. Quy định không cụ thể là rất khó thực thi”, ĐB Tâm nhấn mạnh.
Việc công bố phải trung thành với kết quả trưng cầu 
Về kết quả TCYD, Dự thảo Luật trình hai phương án. Phương án 1: Cuộc TCYD hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án TCYD được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành. 
Phương án 2: Ngoài các điều kiện như phương án 1, phương án này bổ sung quy định đối với TCYD về Hiến pháp thì cuộc TCYD hợp lệ phải được quá hai phần ba tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và phương án được quá hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.  
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng quy định tỷ lệ như Dự thảo là thấp. Điều này làm ĐB thấy lo ngại vì kết quả TCYD có hiệu lực ngay, trên cả luật. Bên cạnh đó, ĐB nêu câu hỏi: “Kết quả TCYD có cần luật hóa trước khi thi hành hay có giá trị thi hành ngay?. Quốc hội có nên căn cứ kết quả TCYD để ban hành luật thi hành, giá trị pháp lý như thế nào trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật?. Khi công bố công khai với người dân rồi thì báo cáo Quốc hội như thế nào?”. 
Đây cũng là ý kiến của ĐB Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang). Vì theo Dự thảo, 15 ngày sau kết quả TCYD sẽ được công bố và kết quả này sẽ được báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. “Kỳ họp gần nhất có khi cũng là cả mấy tháng. Người dân biết hết rồi mới báo cáo Quốc hội để giải quyết vấn đề gì, Dự thảo và Tờ trình đều chưa rõ”. Ngoài ra, ĐB Quân và nhiều ĐB khác còn lo ngại phát sinh bộ máy cồng kềnh và kinh phí khi Dự thảo quy định không rõ việc phân công hay thành lập các bộ máy giúp việc.
Đề cao ý chí của đại đa số nhân dân, ĐB Vũ Trọng Kim (Quảng Ngãi) và nhiều ĐB khác nhấn mạnh, khi đã TCYD thì kết quả phải được tôn trọng, việc công bố phải trung thành với kết quả trưng cầu chứ không phải trưng cầu xong rồi  xem xét lại. Các ĐB đề nghị cân nhắc thời gian công bố và đặc biệt cần có cơ quan giám sát để tránh việc người dân nghi ngờ.

Đọc thêm