Phạm nhân lao động cũng phải được hưởng thành quả của mình

(PLO) - Hôm qua (10/1), cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành quy định cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, nhưng cần rà soát chặt chẽ để đảm bảo quyền con người cũng như phù hợp với Công ước quốc tế mà nước ta đã ký kết tham gia.
Phát biểu tại phiên họp UBTVQH sáng 10/1, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thực tế, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động thời gian qua, chỉ có 1 người bỏ trốn. (Ảnh minh họa: baoyenbai.com.vn)
Phát biểu tại phiên họp UBTVQH sáng 10/1, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thực tế, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động thời gian qua, chỉ có 1 người bỏ trốn. (Ảnh minh họa: baoyenbai.com.vn)

Thành lập khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an) nhấn mạnh, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù.

Do đó, hai cơ quan này thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. 

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật quốc tế, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đáp ứng hai yêu cầu. Trước hết, phải bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý và bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. 

Thứ hai là quy định mang tính nguyên tắc trong Luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động, như: loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động của phạm nhân..., trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Cần "mở ra" để tạo điều kiện cho phạm nhân lao động

Đồng tình với việc tổ chức khu sản xuất, dạy nghề ở ngoài trại giam, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, thông qua lao động sẽ góp phần cải tạo phạm nhân thành người lương thiện, cải thiện sức khỏe và góp phần tạo ra sản phẩm cho xã hội... Ngoài ra, việc lao động sản xuất cũng tạo cơ sở thực hiện các chính sách nhân đạo (như giảm án, đặc xá)...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý việc thực hiện đúng các quy định cũng như đảm bảo chính sách nhân đạo như sự tự nguyện lao động, hưởng thành quả lao động của phạm nhân.

“Chúng ta đưa phạm nhân ra ngoài nhưng phải xem họ có mong muốn hay không, hay e ngại gì đó thì phải tôn trọng. Phạm nhân lao động cũng phải được hưởng thành quả của mình làm ra chứ không mang về cho ai đó”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Nhấn mạnh quyền con người của phạm nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, chế độ ta luôn hướng đến giáo dục để người ta hòa nhập sau khi chấp hành xong bản án. Do đó, việc cho lao động ngoài trại giam tại các điểm sản xuất là tạo điều kiện cho phạm nhân lao động có thu nhập, nâng cao đời sống và có tay nghề.

Do đó, cần phân loại, phạm nhân cải tạo tốt, tự giác thì được tạo điều kiện để lao động. “Trong đội ngũ phạm nhân có người có trình độ lao động nhất định thì nên sử dụng. Quy định cứng quá thì khó thực hiện, do đó cần "mở ra" để tạo điều kiện cho phạm nhân lao động”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì đề nghị làm rõ trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân như thế nào. Theo ông, ngoài trại giam nhưng trong khu sản xuất, điểm lao động có thể thực hiện được, còn đưa phạm nhân vào doanh nghiệp thì không phù hợp với tinh thần Công ước quốc tế.

Cũng cùng quan điểm nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình lưu ý cần phân biệt mối quan hệ giữa trại giam - phạm nhân - doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp trực tiếp làm việc (hợp đồng) với phạm nhân. “Phạm nhân lao động là bắt buộc, tuy nhiên, lao động để sản xuất ra sản phẩm thương mại lại là vấn đề khác, cần phải có sự tự nguyện tham gia của phạm nhân”, ông Bình nói... 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tại điểm b khoản 4 Điều 17 Dự thảo Luật quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.
Về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến chủ yếu: Tán thành với dự thảo Luật, nhưng cần quy định chặt chẽ các điều kiện; không tán thành quy định vì lo ngại sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Đọc thêm