Pháp luật mang gương mặt nhân văn

(PLO) - Một em bé đi xe đạp va chạm vào xe xích lô chở tôn đậu trên đường, gây thương tích ở cổ và không cứu được mạng sống. một bà già cũng bị tai nạn tương tự như vậy với xe chở tôn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hai sự việc đau lòng, đáng tiếc xảy ra khiến dư luận hết sức phẫn nộ với những chiếc xe thô sơ chở vật liệu cồng kềnh và nguy hiểm trên phố. Ông xích lô chở tôn ấy bị bắt tạm giam và khởi tố, những người làm nghề này phần lớn là nghèo khổ, làm thuê kiếm sống, ông cũng không là ngoại lệ, hơn nữa, ông còn là cựu chiến binh của mặt trận Vị Xuyên năm nào. Có người đứng ra kêu gọi cộng đồng giúp đỡ ông, không phải về mặt pháp lý mà là vật chất, tinh thần.

Rất nhiều tiếng nói cảm thông với tai họa của ông. Cuối cùng, cha mẹ của em bé bị nạn đứng ra xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ông, mọi người xúc động đến trào nước mắt trước sự nhân văn cao cả ấy của người cha mất con. Pháp luật buộc phải truy tố nhưng tình người thì không.

Cái chết của em bé ấy không vô ích. Trước hết là sự cảnh báo với những chiếc xe thô sơ chở vật liệu tiềm ẩn những nguy cơ chết người cần dẹp bỏ, sau đó là khơi gợi tình người, biết thông cảm, sẻ chia, biết phân biệt ranh giới của tội ác và lương thiện.

Ở một diễn biến khác tại Hà Tĩnh. Phiên tòa phúc thẩm mở ra để xét xử một vụ vi phạm pháp luật giao thông. Dù bị cáo trước đó đã kêu oan và nhiều tình tiết bằng chứng cho thấy ông ta không phải người cầm lái gây tai nạn, song phiên tòa sơ thẩm vẫn kết tội và bỏ tù ông. Tại phiên tòa lần này, nhận định cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu. Những người dự khán phiên tòa vô cùng cảm kích, vỡ òa trong một nỗi hân hoan như chứng kiến công lý được thực thi.

Bà vợ của bị cáo nước mắt giàn giụa, khấu đầu lạy tạ trước Hội đồng xét xử, một cảnh tượng pháp đình hy hữu khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Sự xúc động có sức lan tỏa đó mang một ý nghĩa xã hội sâu sắc rằng niềm tin vào công lý vẫn hiện hữu, rằng sự công bằng sẽ được thiết lập và chốn pháp đình không chỉ có những điều luật lạnh lùng mà còn có cả tình người ấm áp.

Tuần qua cũng xảy ra những vụ án đau lòng và khó tin. Tại một ngôi chùa ở TP. Hồ Chí Minh, một sư thầy xả dao chém chết người và làm bị thương nhiều người khác. Người ta rùng mình không phải là tội ác gây nên mà là ở cái nơi vốn là sự bình yên ngự trị. Hoặc, tại thành phố Buôn Ma Thuật (Đắk Lắc), một tên trộm chó đáng khinh bỉ lại là một cử nhân luật thất nghiệp nên kiếm miếng cơm bằng cách này. Đó là việc đáng căm giận nhưng cũng rất đau lòng, rất đáng để suy ngẫm, quan tâm vì đó không còn là vấn đề của cá nhân đơn lẻ, của một vụ phạm pháp bình thường, cũng như vụ tàn sát trong chùa kia, đó là vấn đề của xã hội.

Văn hóa pháp lý không chỉ thể hiện trong lĩnh vực ban hành và thực thi pháp luật và thái độ ứng xử của những con người tham gia vào quan hệ pháp luật đó mà còn là sự thể hiện tình cảm trước một sự kiện pháp lý, đó là tính nhân văn và tình người!.

Đọc thêm