Phát huy 'sức mạnh mềm' trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật

(PLO) -Năm 2017 đã thể hiện nhiều nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc tăng cường và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật. Nhờ đó, đưa công tác đối ngoại của Bộ, Ngành thực sự trở thành “đòn bẩy” giúp phát huy “sức mạnh mềm”, từ đó nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, tạo “thế” và “lực” triển khai thành công các hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Campuchia ký kết Chương trình hợp tác năm 2017 - 2018
Đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Campuchia ký kết Chương trình hợp tác năm 2017 - 2018

Đánh dấu cột mốc 35 năm hình thành và phát triển, hợp tác pháp luật và tư pháp Việt – Lào trong giai đoạn hiện nay không chỉ giới hạn trong khuôn khổ song phương mà còn là sự ủng hộ lẫn nhau, phối hợp hợp tác trên các diễn đàn đa phương.

Hợp tác vì sự bình yên và phát triển trong khu vực

Sự hợp tác tích cực đó đã đem lại cho Bộ Tư pháp hai nước nhiều thành quả đáng ghi nhận. Việc soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật quan trọng của Lào như Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức Chính phủ... đã nhận được sự giúp đỡ tích cực của Bộ Tư pháp và các cơ quan khác của Việt Nam. Thông qua các đoàn công tác sang Lào, các chuyên gia pháp luật và tư pháp của Việt Nam cũng học được rất nhiều điều bổ ích và có giá trị tham khảo lớn cho quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.

Là lĩnh vực hợp tác truyền thống, quan trọng, xuyên suốt và thiết thực nhất trong thời gian qua, hợp tác đào tạo song phương về pháp luật và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp luật giữa hai nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, đã có khoảng 200 sinh viên Lào tốt nghiệp tại Việt Nam và có khoảng 50 lưu học sinh Lào đang học tập, nghiên cứu tại Trường ĐH Luật Hà Nội. Ngoài ra, Học viện Tư pháp đã đào tạo cho sinh viên, cán bộ Lào theo học lớp Thẩm phán, nghiệp vụ công chứng, thi hành án, đồng thời hỗ trợ Lào xây dựng giáo trình, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy… Một biểu hiện thành công của quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này là hầu hết những sinh viên, cán bộ được đào tạo tại Việt Nam khi về nước đều công tác trong hệ thống cơ quan pháp luật và tư pháp của Lào, không ít người trong số họ đã được tín nhiệm giữ những vị trí công tác quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước của Lào.

Để đánh dấu chặng đường hợp tác tốt đẹp đó, ngày 28/11/2017, tại thủ đô Viêng Chăn, Lào đã diễn ra Lễ kỷ niệm 35 năm Hợp tác tư pháp CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào với sự tham dự của đồng chí Sỏn Xay Sỉ Phăn Đon, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào cùng lãnh đạo hai Bộ Tư pháp Việt – Lào. Tại buổi lễ, Chính phủ Lào đã trao tặng Huân chương, Huy chương  cho cá nhân và tập thể của Bộ Tư pháp Việt Nam đã có nhiều thành tích, công lao trong việc phát triển ngành Tư pháp của Lào 35 năm qua. Nhà nước Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương, Huy chương hữu nghị cho tập thể Bộ Tư pháp Lào và các đồng chí Lãnh đạo Bộ Tư pháp Lào; tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp tư pháp” và Bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể và cá nhân thuộc Bộ Tư pháp Lào đã có nhiều thành tích trong việc phát triển quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam – Lào trong một phần ba thế kỷ qua.

Năm 2017 đánh dấu sự kiện Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Campuchia Ăng Vong Vathana. Hội nghị thống nhất Bộ Tư pháp hai nước sẽ chủ động triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về Hợp tác pháp luật và tư pháp giữa 2 Bộ đã ký kết ngày 22/12/2009; triển khai thực hiện hiệu quả các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và Hiệp định dẫn độ đã được ký kết. Đồng thời, báo cáo các cấp có thẩm quyền, sớm hoàn tất thủ tục nội bộ để Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù, ký ngày 20/12/2016, có hiệu lực và phối hợp thực hiện tốt các hiệp định này sau khi có hiệu lực. 

Ngoài ra, Hội nghị còn ký kết Chương trình hợp tác năm 2017-2018 giữa Bộ Tư pháp hai nước và Bản ghi nhớ Hợp tác giữa Học viện Tư pháp của Việt Nam và Học viện Đào tạo Tư pháp Hoàng gia của Campuchia. Đại diện hai quốc gia cũng nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ hai tại Campuchia vào thời gian thích hợp với hai bên trong năm 2019.

Đây là hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mới cho sự tăng cường hợp tác giữa hai ngành Tư pháp hai nước, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng, bình yên và bền vững của các tỉnh đường biên giới cũng như vào việc gìn giữ và tiếp tục thúc đẩy quan hệ tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài của hai nước Việt Nam - Campuchia, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tin cậy chính trị ngày càng được nâng cao

Tháng 11/2017 vừa qua là cột mốc quan trọng, đưa quan hệ hợp tác Việt – Trung lên một tầm cao mới khi hai nước tiến hành ký kết 12 văn kiện và trao đổi 7 văn bản hợp tác trên các lĩnh vực nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung thời gian qua. Các cuộc tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên; giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và nhân dân hai nước được đẩy mạnh; hai bên tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng của nhau, hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch đều có tiến triển; tình hình biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định. Hai bên nhất trí phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung không ngừng phát triển ổn định, bền vững. Cùng với đó, hai bên tăng cường phối hợp tại các cơ chế đa phương như Liên Hợp quốc, APEC, Trung Quốc - ASEAN, Lan Thương - Mê Kông, góp phần duy trì hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực và thế giới.

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, hợp tác Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển toàn diện, thực chất. Nhật Bản là một trong rất ít các đối tác nước ngoài hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng những đạo luật cụ thể và rất kiên trì trong việc song hành cùng Việt Nam cho tới khi các văn bản pháp luật được ban hành, sau đó hỗ trợ tổ chức thực hiện, đánh giá để tiếp tục hoàn thiện hơn cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. 

Hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp thông qua các hoạt động của Dự án do JICA thực hiện đã mang lại những hiệu quả tích cực. Dự án đã hỗ trợ Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật thông qua hoạt động xây dựng, triển khai, sửa đổi một số luật như dự án Luật Tư pháp quốc tế, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các văn hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự (THADS) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS cũng như hoàn  thiện pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm thông qua việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản.

Cùng với đó, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo luật của hai nước đã được tăng cường một bước kể từ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Phó Thủ tướng thăm Nhật Bản vào đầu tháng 7/2012 và tháng 3/2013 Bộ Tư pháp đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Nagoya. Tiếp đó, tháng 9/2014, Trường Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Nagoya đã hợp tác thành lập Trung tâm đào tạo và nghiên cứu luật Nhật Bản đặt tại Trường Đại học Luật Hà Nội. 

Một dấu ấn quan trọng khác trong hợp tác quốc tế năm vừa qua là việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Tổ chức quốc tế về Luật phát triển (IDLO). Thỏa thuận nhằm thiết lập khung hợp tác để đạt được những mục tiêu chung và xây dựng các chương trình hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. IDLO và Bộ Tư pháp sẽ tập trung nguồn lực vào một số lĩnh vực hợp tác chính, bao gồm: nâng cao kiến thức và trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về các vấn đề pháp luật và tiếp cận công lý; nâng cao năng lực cho các cán bộ pháp luật, cán bộ tư pháp; xây dựng và hỗ trợ củng cố mạng lưới đối tác ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm tìm kiếm các nguồn lực để triển khai thực hiện các sáng kiến chung… Ngoài ra, lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng cán bộ pháp luật đã được chú trọng và tăng cường thông qua các buổi làm việc của Lãnh đạo Bộ Tư pháp với đại diện nhiều cơ sở đào tạo các nước như Hoa Kỳ, NewZealand, Hungary...

Tình hình thế giới và khu vực năm 2018 dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật cũng như tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, trong đó có vấn đề thực thi pháp luật để thực hiện các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập và nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ kịp thời từ bạn bè quốc tế. 

Đọc thêm