Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Chú trọng đầu tư nguồn nhân lực

(PLVN) - Chăm lo thiết thực, có hiệu quả hơn việc quy hoạch đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tiếp tục đưa cán bộ từ miền xuôi lên công tác lâu dài, tăng cường nguồn cán bộ được đào tạo cơ bản - 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc tại Hội thảo.

Đó là những gợi mở được nêu ra tại Hội thảo triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vừa diễn ra. 

Thực hiện cho được những yêu cầu đặt ra

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, qua từng thời kỳ phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước đã đề ra và triển khai hàng loạt chủ trương, chính sách dân tộc, góp phần quan trọng tạo nên sự ổn định, phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). 

Gợi mở những vấn đề cần thảo luận tại hội nghị, bà Tòng Thị Phóng đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn... Từ đó có nhận thức đúng đắn, thống nhất nhiệm vụ từ nay đến 2030 chúng ta phải thực hiện cho được những yêu cầu đặt ra.

Đó là quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc…

Thời gian qua, sự tác động thiên tai, bão lũ khiến rất nhiều vụ sạt lở tại các vùng núi cao, vùng đồng bào DTTS, gây thiệt hại lớn về người và của. Vì vậy, mục tiêu quan trọng nhất là giải quyết tình trạng việc thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS. Phải bố trí các khu dân cư đảm bảo an toàn cho tính mạng và của cải người dân.

Về biện pháp thực hiện, cần huy động mọi nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phải thực hiện kinh phí công khai, minh bạch. Chăm lo thiết thực, có hiệu quả hơn việc quy hoạch đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao tại các địa bàn này, đồng thời, tiếp tục đưa cán bộ từ miền xuôi lên công tác lâu dài, tăng cường nguồn cán bộ được đào tạo cơ bản, hướng về cơ sở, góp phần củng cố hệ thống chính trị, công tác quốc phòng - an ninh, biên giới. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, sau hội thảo này cần tổ chức thực hiện gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Ba tỉnh sẽ có chương trình hành động cụ thể, khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót trong công tác dân tộc, miền núi, hướng về cơ sở. “Nói đi đôi với làm, mà làm thật, để đồng bào tin, đồng bào yêu mến và làm theo”- bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Muốn thực hiện được các yêu cầu rất cao đó, ba tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, các bộ, ban, ngành trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, thiết thực chăm lo cho đời sống của đồng bào.

Cùng với đó, các bộ, ngành ở Trung ương thực sự quan tâm đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực DTTS và miền núi, biên giới; chăm lo công tác phát triển Đảng là người DTTS; có cơ cấu cán bộ là người DTTS trong các cơ quan dân cử một cách hợp lý; tuyển chọn những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng là người DTTS tại chỗ cũng là bước đào tạo nguồn cán bộ cho cơ sở, vùng cao, vùng biên giới; làm tốt công tác dân vận của chính quyền.

Chú ý đầu tư hạ tầng “mềm”

Tại hội thảo, các tham luận đều thể hiện trách nhiệm của các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, trong đó có vấn đề đáp ứng nguồn vốn đầu tư công trung hạn để giảm nghèo bền vững. Trong việc đầu tư hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan kiến nghị cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các lĩnh vực văn hóa, xã hội...

Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với những doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu am tường về văn hóa vùng đồng bào DTTS, thông qua các chương trình phát triển kinh tế để cùng hỗ trợ triển khai các dự án giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào các DTTS.

Cho rằng cả ba tỉnh đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đề ra trong thời gian qua, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước giai đoạn 2016-2020, nhiều xã, huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, nhưng Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định, công tác giảm nghèo còn những hạn chế, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là đồng bào DTTS và khu vực miền núi…

Theo ông Đào Ngọc Dung, bên cạnh việc quan tâm đầu tư hạ tầng “cứng”, như giao thông, điện..., cũng cần chú ý tới vai trò quan trọng của đầu tư hạ tầng “mềm”, đó là dân sinh, dân trí... Ngoài ra, cần quan tâm nhà ở, đất sản xuất cho người dân. Quy hoạch lại dân cư, xây dựng triển khai bản đồ chi tiết cảnh báo tai nạn, rủi ro, sạt lở đất, bão lũ để di dân; tập trung phát triển bao trùm và bền vững.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cũng đưa ra khuyến nghị để lãnh đạo ba tỉnh tham khảo các giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện hiệu quả chính sách “cử tuyển”. Theo Bộ trưởng Nhạ, cử tuyển là cần thiết, tuy nhiên chỉ nên thực hiện với con em vùng đồng bào dân tộc rất ít người và một số dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa có hoặc có rất ít người tham gia trong hệ thống chính trị của địa phương. 

Đồng thời, phải gắn liền với việc bố trí công việc sau khi tốt nghiệp cho người học để tránh lãng phí. Những trường hợp cử tuyển cần phải đảm bảo chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo, trường hợp chưa đủ chuẩn phải học dự bị đảm bảo chuẩn mới được đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở đào tạo tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhưng không du di về chất lượng để thực hiện tốt chính sách này.

Ngoài ra, các địa phương cần tính toán cụ thể nhu cầu từng loại nhân lực của huyện, xã, thôn, bản trong từng giai đoạn cụ thể, trên cơ sở đó các trường sẽ tiến hành đào tạo, đào tạo lại nhân lực cho địa phương. Việc “đặt hàng” này cũng phải tuân thủ các quy định chung về tuyển sinh của các trường, để đảm bảo chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động phối hợp với các trường trong quá trình đào tạo, nhất là việc tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập và làm quen với công việc của địa phương.

Đọc thêm