Phê duyệt tổng biên chế công chức chậm nhất ngày 20/7

(PLO) - Đây là đề xuất mới về quản lý biên chế công chức mà Bộ Nội vụ đưa ra trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 21/2010/NĐ-CP về quản lý biên chế công chức và Nghị định 110/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 21/2010/NĐ-CP.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Nội vụ cho biết, sau hơn 9 năm thực hiện, Nghị định 21/2010/NĐ-CP về quản lý biên chế công chức và Nghị định 110/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 21/2010/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế.

Ví dụ, quy định hiện hành chưa quy định cụ thể trình tự quyết định biên chế công chức hàng năm, chưa quy định thời hạn Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức hàng năm, chưa quy định hình thức xử lý đối với người đứng đầu bộ, ngành, UBND cấp tỉnh khi thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức.

Nghị định 21/2010/NĐ-CP  cũng không quy định thời hạn các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải xây dựng văn bản hướng dẫn xác định biên chế công chức đối với ngành, lĩnh vực gửi Bộ Nội vụ ban hành nên dẫn đến từ khi Nghị định 21/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay chưa có bộ, ngành nào đề nghị Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn xác định biên chế công chức đối với ngành, lĩnh vực để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xác định biên chế công chức được thống nhất.

Hơn nữa, việc quy định về giao biên chế công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện là chưa phù hợp nên từ khi Nghị định số 21/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay chưa thực hiện giao biên chế công chức cho bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.

Những bất cập này được Bộ Nội vụ đề xuất khắc phục bằng những quy định trong một dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 21/2010/NĐ-CP. Theo đó, dự thảo Nghị định không quy định biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện vì đã được quy định trong văn bản pháp luật chuyên ngành khác. 

Thay vào đó, dự thảo bổ sung quy định về trình tự quyết định biên chế công chức hàng năm, hồ sơ trình và thời hạn gửi biên chế công chức hàng năm, điều chỉnh biên chế công chức. Đồng thời, Dự thảo cũng bổ sung quy định: Chậm nhất ngày 20 tháng 7 hàng năm Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức của các cơ quan hành chính nhà nước của năm tiếp theo liền kề.

Một điểm mới khác là dự thảo Nghị định đề xuất quy định trách nhiệm của Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong ban hành Thông tư hướng dẫn xác định mức biên chế công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ để phù hợp với thực tế và rõ trách nhiệm của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức tại Nghị định này thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật và đưa vào xem xét phân loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm; đồng thời phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng, không đúng quy định về quản lý, sử dụng số biên chế công chức.

Đọc thêm