Phó chủ tịch Hội Nhà báo nói về việc “loạn” cơ quan xử phạt báo chí

(PLO) - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Trường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ xung quanh câu chuyện các cơ quan báo chí hiện đang phải chịu nhiều sức ép từ những quy định mâu thuẫn liên quan đến các chế tài xử phạt hành vi thông tin, tuyên truyền trong quá trình tác nghiệp.

Ông Hà Minh Huệ
Ông Hà Minh Huệ
- Thưa ông, là Phó Chủ tịch Thường trực Hội  Nhà báo Việt Nam và là Đại biểu Quốc hội, ông có ý kiến  gì trước việc một loạt các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan (thống kê, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ...) cho phép nhiều cơ quan được xử phạt báo chí...? 
 Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền xác định các hành vi vi phạm hành chính cũng như mức phạt và cơ quan có thẩm quyền xử phạt là thuộc Chính phủ. Do vậy, ngoài Nghị định 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, Chính phủ còn ban hành các nghị định quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi đưa tin không đúng của cơ quan báo chí khi vi phạm quy định về quản lý thông tin trong lĩnh vực chuyên ngành như thống kê, khí tượng thủy văn, giáo dục, tài chính, kế hoạch đầu tư, trật tự an toàn xã hội…  
Luật quy định mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý hành chính một lần. Hành vi vi phạm đã bị xử phạt rồi thì thôi, không bị xử phạt ở chỗ khác nữa. Đó là chưa kể luật còn có tác dụng phòng ngừa,  phòng chống nữa, một khi có sự vi phạm mới bị xử phạt. Có luật rồi, các nhà báo chúng ta phải dè chừng, hành xử đúng luật để tránh bị xử phạt. Chính vì thế mới đòi hỏi báo chí phải có tính chuyên nghiệp, thông tin chuẩn xác, theo đúng quy định của pháp luật. 
Theo suy nghĩ thông thường thì chỉ có Bộ Thông tin và Truyền thông mới có quyền xử phạt những vi phạm, sai phạm về thông tin. Nhưng pháp luật cho phép là đối với mỗi lĩnh vực quản lý Nhà nước, hành vi vi phạm hành chính được phân công, phân cấp cho UBND các cấp và thanh tra chuyên ngành quản lý ngành, lĩnh vực đó xử phạt. Cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt theo quy định thì đều được quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thông tin trong lĩnh vực quản lý nhà nước do cơ quan đó quản lý. 
Theo tôi, về nguyên tắc thì tình trạng này không dẫn đến sự chồng chéo trong xử phạt, vì như đã nói ở trên, luật quy định mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần. Tuy nhiên, có vấn đề là mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm về thông tin không đúng sự thật của các tổ chức và cá nhân ở các văn bản luật có sự khác nhau. 
Ví dụ, Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm về nội dung thông tin như thông tin sai sự thật  thì bị phạt 5 triệu đồng (Điểm a Khoản 2 Điều7). Nhưng, tại Nghị định 79/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê thì cũng với hành vi phổ biến thông tin thống kê sai sự thật, chế tài xử phạt lại lên tới 30 triệu đồng (Khoản 2 Điều 13). Theo Khoản 4 Điều 7 Nghị định 02 thì chỉ khi đưa tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng mới bị phạt đến 30 triệu đồng, trong khi đó, theo Nghị định 79, chỉ cần đưa tin sai sự thật về số liệu thống kê, không cần xảy ra hậu quả cũng đã bị phạt đến 30 triệu đồng rồi. 
Như vậy ở đây có sự “vênh” về cách xác định vi phạm và mức tiền phạt. Theo tôi và cũng như theo ý kiến của một số luật sư tôi tham khảo thì cần phải rà soát lại các văn bản để loại bỏ những mâu thuẫn trên.
- Khi các Bộ, ngành soạn thảo các Nghị định liên quan như đã viện dẫn ở trên, họ có xin ý kiến đóng góp của Hội Nhà báo về các quy định liên quan đến việc xử phạt báo chí tại Dự thảo không, thưa ông ?
- Theo tôi được biết thì Hội Nhà báo Việt Nam hầu như không được hỏi ý kiến về các quy định liên quan đến việc xử phạt báo chí. Có thể Hội Nhà báo không phải là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí nên không được hỏi. Nhưng cũng có thể khi xây dựng dự thảo đề án luật, nghị định, các cơ quan cũng đã thông tin công khai trên mạng, trên trang web của họ mà chúng tôi không theo dõi để góp ý. Mà tôi không rõ Bộ Thông tin và Truyền thông có được trao đổi về những vấn đề này không.
- Theo ông, phải làm gì để khắc phục tình trạng cơ quan báo chí phải “một cổ nhiều tròng”? Hội Nhà báo đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để giải quyết những bất cập này chưa?
-  Hiện tại Hội Nhà báo chưa có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng hoặc bất kỳ cơ quan có liên quan nào về việc này. Chúng tôi cũng đang theo dõi ý kiến của báo chí xung quanh vấn đề trên. Trước mắt, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ thêm về khía cạnh pháp lý của vấn đề. Sau này, khi Quốc hội tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí thì chúng tôi sẽ có ý kiến thêm về vấn đề trên- phải thống nhất việc xử phạt đối với báo chí khi thông tin sai sự thật.
- Trân trọng cám ơn ông!
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội):
Cần phải thống nhất với hệ thống pháp luật về báo chí
- Theo quan điểm của cá nhân tôi, không nên để tất cả các cấp, các ngành đều có quyền xử phạt báo chí, như vậy sẽ dễ dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí. Bộ TT-TT là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; phát thanh và truyền hình; thông tấn; thông tin đối ngoại… 
Do vậy, để vấn đề quản lý đảm bảo được thống nhất và tính đồng bộ thì Bộ TT-TT nên là cơ quan duy nhất được giao trách nhiệm  tập hợp các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hoạt động báo chí, trong đó có vấn đề xử phạt vi phạm hành chính. 
Lẽ dĩ nhiên, khi cơ quan báo chí có những hành vi vi phạm Luật Báo chí như cố ý đưa các thông tin sai sự thật hoặc đưa thông tin mà không có căn cứ thì phải chịu trách nhiệm. 
Tuy nhiên, pháp luật cần phải quy định rõ về thẩm quyền xử phạt và các trường hợp bị xử phạt theo hướng thống nhất với hệ thống pháp luật về báo chí, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho báo chí để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp và truyền tải thông tin. 

Đọc thêm