Phó Thủ tướng họp khẩn để chống bão Dianmu

(PLO) - 9h sáng nay (18/08), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp để bàn biện pháp ứng phó.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc sau 2 cơn bão vừa qua để chủ động phòng chống bão số 3. (Ảnh: Vietnamnet)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc sau 2 cơn bão vừa qua để chủ động phòng chống bão số 3. (Ảnh: Vietnamnet)

Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cơn bão số 3 đang diễn biến phức tạp, do đó các địa phương từ Hà Tĩnh trở ra cần phải khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do bão.

Tại Nam Định, Thái Bình:

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Nam Định, Thái Bình đã có công điện yêu cầu, các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó.

Chủ tịch UBND các tỉnh đã yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Đồng thời, theo dõi, kiểm đếm nắm bắt tình hình tàu thuyền trên biển để kịp thời thông báo đến các chủ phương tiện biết hướng đi, diễn biến của bão; kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú an toàn; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp bảo đảm an toàn trong bão. Kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học xung yếu, chủ động di chuyển người dân đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra hiện trạng, gia cố hệ thống đê điều và các công trình phòng, chống thiên tai; tăng cường tuần tra, canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, sẵn sàng xử lý các sự cố đê điều, nhất là tại 20 đoạn đê kè ở các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Ý Yên bị sụt, sập, hư hỏng trong cơn bão số 1.

Nghệ An:

Để đối phó với cơn bão số 3, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Nghệ An có công điện khẩn số 24/CĐ.UBND (hồi 8h ngày 18/8/2016) chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp phòng chống bão và nguy cơ lũ lụt do bão gây ra.

Đến 10 h sáng 18/8, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương vùng ven biển gồm:  TX Hoàng Mai, Cửa Lò, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, đã kêu gọi 100% các tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ việc tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong khu tránh bão, không để người ở lại trên thuyền.

Đối với các vị trí thường bị ngập lụt, sạt lở đất sẵn sàng cử người canh gác, cắm biển cảnh báo, chốt giữ không cho người và phương tiện đi qua trong thời gian mưa lũ và có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, tiến hành kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập...

Cũng tại cuộc họp sáng nay, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu BCĐ Phòng chống thiên tai các tỉnh phải chuẩn bị chống bão trên tinh thần cao nhất, phát huy 4 tại chỗ, rút kinh nghiệm 2 cơn bão vừa qua để có được kịch bản tốt nhất.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đánh giá đây là cơn bão lớn, nếu không chủ động thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng, đặc biệt là hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi do mưa kéo dài làm đất bão hoà.

Do đó để giảm xuống mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan khí tượng theo sát diễn biến mưa lũ, dự báo kịp thời, chính xác đến cơ quan thông tấn và các cơ quan liên quan để chủ động ứng phó.

Các cơ quan truyền thông phải liên tục cập nhật các bản tin dự báo để người dân biết và ứng phó.

Đồng thời, yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp lực lượng biên phòng, địa phương kiểm đếm tàu thuyền trên biển, yêu cầu di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

Từ chiều nay (18/8) đến hết ngày 20/8 xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa cả đợt ở vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa-Nghệ An phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ, Hà Tĩnh-Quảng Bình phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Đọc thêm