Phòng, chống tham nhũng khu vực tư: Coi trọng kiểm soát nội bộ

(PLO) - Tham nhũng ở khu vực tư trên bình diện quốc tế và tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước tại Việt Nam đã và đang được nhận diện ngày càng rõ ràng cả về tính chất, đặc điểm và tính nguy hiểm. Điều này đòi hỏi cần sớm có các biện pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng (PCTN), góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế bền vững.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tham nhũng trong khu vực tư gây nên nhiều hậu quả khôn lường, đặc biệt là làm suy yếu sức cạnh tranh và tạo ra những bất bình đẳng, cũng như làm giảm lòng tin đối với doanh nghiệp khu vực tư. Đây là những yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển các quan hệ xã hội và kinh tế. 

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay còn vắng bóng các quy định tạo cơ chế pháp lý để phòng ngừa và phát hiện tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước. Luật PCTN năm 2005 chỉ có quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm PCTN của các doanh nghiệp nói chung.

Các luật trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh nói chung mới chỉ có những quy định lẻ tẻ, chưa có tính hệ thống hoặc quy định những biện pháp chung cho nhiều vấn đề chứ không chỉ là vấn đề phòng ngừa tham nhũng trong kinh doanh. Pháp luật về tổ chức ngoài Nhà nước của Việt Nam chưa được hình thành một cách rõ ràng, chưa có quy định cụ thể về phòng ngừa tham nhũng. 

Ở khía cạnh pháp luật về xử lý tham nhũng, các văn bản quy định còn chưa đồng bộ. Việc quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước hầu như rất hiếm và không cụ thể hoặc nếu có thì lại không phải là chế tài trực tiếp đối với những hành vi mang bản chất tham nhũng. Quy định về xử lý hình sự loại tội phạm tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước còn chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn.

Do vậy, để đáp ứng được những đòi hỏi tất yếu của sự phát triển nền kinh tế thị trường cũng như quá trình hội nhập quốc tế, nước ta cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về PCTN theo hướng tiếp cận điều chỉnh đa chiều, mềm dẻo. Các quy định của pháp luật có liên quan cần được hoàn thiện theo hướng tạo cơ chế cho hoạt động PCTN của các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước được thực hiện một cách tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chủ động và tích cực. 

Cụ thể, đối với Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên đã quy định về trách nhiệm của khu vực tư trong PCTN và khuyến nghị các quốc gia thành viên hình sự hóa loại hình tham nhũng này. Với trách nhiệm của quốc gia thành viên, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nội luật hóa các yêu cầu và khuyến nghị của Công ước.

Cùng với đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 cần nhận diện rõ hơn một số dạng tội phạm tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước, Luật PCTN năm 2005 tiếp tục sửa đổi theo hướng mở rộng tiếp cận sang PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước.

Từ góc độ quản lý doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp là một trong những công cụ pháp lý hữu hiệu để quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nội bộ của các doanh nghiệp tư nói chung. Do vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần được hoàn thiện theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp nói chung ban hành và áp dụng các bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp và xây dựng các cơ chế kiểm soát nội bộ để bảo đảm các quy tắc ứng xử này được thực thi trong thực tế.

Còn một số luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành cần đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Luật PCTN. Theo đó, cần điều chỉnh một số nội dung liên quan tới nghĩa vụ pháp lý của các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng phải ban hành các bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ; cơ chế bảo đảm thực thi đối với các quy tắc ứng xử và kiểm soát nội bộ, trong đó chú trọng cơ chế khuyến khích các cổ đông hoặc người có lợi ích liên quan của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng tự phát hiện tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước và tiến hành thủ tục cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Đồng thời cần quy định những dạng hành vi tham nhũng ở khu vực tư có tính đặc thù của lĩnh vực mà luật điều chỉnh để có cơ sở cho việc quy định việc xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. 

Đọc thêm