Phú Thọ có 12 ứng cử viên ĐBQH khóa XV

(PLVN) - Ngày 17/3, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Biểu quyết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ngày 17/3/2021.
Biểu quyết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ngày 17/3/2021.

Theo kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tỉnh Phú Thọ có 15 người được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV trên tổng số 7 đại biểu được bầu và 147 người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên tổng số 70 đại biểu được bầu.

Từ ngày 24/2 đến ngày 11/3, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã đồng loạt tổ chức các hội nghị: Hội nghị ban lãnh đạo, hội nghị cử tri nơi công tác và hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX.

Tính đến 17h ngày 14/3, trừ 3 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu, Ủy ban bầu cử tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và bàn giao cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh 12 hồ sơ của  các ứng cử viên ĐBQH khóa XV của tỉnh Phú Thọ và 147 hồ sơ ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX; không có trường hợp nào tự ứng cử.

Sau khi thảo luận và bàn bạc dân chủ, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã thống nhất, biểu quyết 100% nhất trí danh sách sơ bộ 12 ứng cử viên ĐBQH khóa XV (chưa tính 3 ứng cử viên Trung ương giới thiệu về) và 147 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm 2016 - 2021. 

Ngay sau khi Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, từ ngày 21/3 đến ngày 13/4, Ủy ban MTTQ cấp xã, phường, thị trấn sẽ thống nhất với các cơ quan, đơn vị có người được giới thiệu ứng cử để tổ chức hội nghị cử tri, lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử.

Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tổ chức hướng dẫn việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri, đảm bảo cử tri được bày tỏ sự tín nhiệm của mình đối với người tham gia ứng cử, từ đó đối chiếu, xem xét, lựa chọn được những người có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực, xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng cũng như quyền làm chủ của nhân dân; các địa phương, đơn vị phải bảo đảm quyền bình đẳng của các ứng viên trong việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri và vận động bầu cử./.

Đọc thêm