Quản thế nào để không biến thành 'bãi rác công nghiệp'?

(PLO) - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù đã có rất nhiều quy định, đã kiểm soát từng lô hàng nhập nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều "con đường" để phế liệu ô nhiễm về đất nước ta. Do đó, sẽ phải tính đến lộ trình lựa chọn đối với phế liệu nào có thể có ý nghĩa đóng góp trong quá trình sản xuất, còn phế liệu có nguy cơ ô nhiễm không cho nhập nữa...
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, sáng nay, 5/6, ĐB Nguyễn Quang Dũng cho rằng, thực tế việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam khá lớn. “Báo cáo của Tổng cục Hải Quan cho biết, có thời điểm chỉ trong 3 tháng nước ta nhập khẩu hơn 1 triệu tấn sắt phế liệu là sắt, tính bình quân 1 ngày chúng ta nhập khẩu hơn 1 ngàn tấn phế liệu sắt”, ĐB Dũng nói và tỏ ý lo ngại, đây là nguy cơ biến nước ta thành "bãi rác công nghiệp". 

“Nhiều địa phương đã xây dựng nhà máy chế biến sắt thép từ phế liệu và gây ô nhiễm môi trường dẫn đến việc người dân bao vây nhà máy không cho sản xuất như tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm vấn đề trên”, ĐB Dũng đặt câu hỏi.

Đáp lời, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Tôi đồng tình với quan điểm của ĐB là cần tính toán lại riêng phế liệu sắt thép chúng ta để đảm bảo môi trường. Hiện tại, nước ta đã xây dựng một số nhà máy từ nguồn kinh phí nhà nước và xã hội liên quan đến sản xuất luyện sắt thép từ phế liệu. Các nhà máy này áp dụng công nghệ hiện đại nên sẽ kiểm soát được vấn đề môi trường”.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thông tin, trên thế giới các lò luyện phế liệu từ sắt thép đang được nhiều nước phát triển sử dụng. Tuy nhiên với Việt Nam, ông cho rằng như các ý kiến của ĐB đã nêu, nếu các nhà máy luyện sắt, thép từ phế liệu đặt không đúng vị trí hoặc tập trung vào khu vực đông dân cư nếu không kiểm soát chặt chẽ thì sẽ có thời điểm gây ô nhiễm môi trường. 

“Vì vậy, ta cần xem xét là bố trí phù hợp các nhà máy này để khoảng cách an toàn, ít ảnh hưởng cùng với đó chúng ta sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường”, Bộ trưởng Hà nói.

Về nhập khẩu chất thải, Bộ trưởng Hà cho biết, Việt Nam không đủ năng lực để nhập khẩu chất thải. Do vậy chúng ta sẽ nói không với nhập khẩu chất thải.

Trước đó, tại phiên chất vấn hôm qua, 4/6, trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy về tình trạng nhập khẩu phế liệu, chất thải của nước ta hiện nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù đã có rất nhiều quy định, đã kiểm soát từng lô hàng nhập nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều "con đường" để phế liệu ô nhiễm về đất nước ta. Do đó, theo ông Hà, chúng ta sẽ phải tính đến lộ trình lựa chọn đối với phế liệu nào có thể có ý nghĩa đóng góp trong quá trình sản xuất, còn phế liệu có nguy cơ ô nhiễm không cho nhập nữa. 

“Bên cạnh đó, việc xử lý phế liệu, tái chế tại chỗ cũng đủ rồi, nên tôi rất đồng tình, các quy định về nhập phế liệu sắp tới trong luật phải có quy định cụ thể hơn”, ông Hà nói. “Trước đây có những lúc chúng ta mở, bởi vì nhu cầu phát triển kinh tế như vậy, nhưng đến lúc này tình hình ô nhiễm là không thể chấp nhận sử dụng các công nghệ ô nhiễm”.

Đọc thêm