Quảng Bình: Tang thương vùng rốn lũ

(PLO) - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình)  Trần Thanh Dương thảng thốt với PLVN khi đang trên đường thị sát các xã phía Nam huyện này và chứng kiến những thiệt hại quá nặng nề do bão số 11 “chồng” lên bão số 10 gây ra…
Nước lũ ngập nóc nhà
Nước lũ ngập nóc nhà
Đến chiều tối 17/10, 6 xã vùng Nam huyện Quảng Trạch gồm Quảng Minh, Quảng Hải, Quảng Trung, Quảng Thủy, Quảng Lộc, Quảng Hòa vẫn bị nước lũ chia cắt, nhà dân chìm ngập trong nước lũ đỏ đục… 
Tìm người trong nước mắt
Hai ngày sau khi nhận được tin hai cô giáo Trường Tiểu học xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bị nạn tại ngầm tràn Hồi Đập Chè, xã Hưng Trạch, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đã tăng cường 15 cán bộ, chiến sỹ kết hợp cùng lực lượng của Huyện đội, 10 cán bộ, chiến sỹ Công an huyện, lực lượng Công an, Xã đội của 2 xã Liên Trạch, Hưng Trạch và hàng trăm người dân tích cực tìm kiếm thi thể các cô. 
Hai cô giáo cùng sinh năm 1977 này là đôi bạn thân, gồm cô Nguyễn Thị Lộc, trú tại xã Lộc Ninh và cô Nguyễn Thị Đinh Hương, trú tại phường Đồng Sơn, cùng thuộc TP.Đồng Hới (Quảng Bình). 15h chiều 16/10, thi thể của cô Lộc được tìm thấy tại cánh đồng Sa Mực, cách ngầm tràn Hồi Đập Chè khoảng 600m. 10h50 trưa 17/10, thi thể cô Hương được tìm thấy ở rặng bạch đàn cách nơi tìm ra cô Lộc khoảng 100m. 
Ký ức kinh hoàng sau trận lốc
Chiều 17/10, Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đông nghịt bệnh nhân là những người bị thương trong trận lốc xoáy  lúc 1h sáng 16/10 quần nát 4 xã Quảng Sơn, Quảng Minh, Quảng Thủy và Quảng Văn. Xót xa nhất là gia đình chị Trần Thị Lĩnh (44 tuổi), ở thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn. Nhà chị bị sập, đè lên người đã cướp đi người chồng - anh Phan Xuân Sơn, chị bị gãy xương cột sống và gãy xương bả vai. Đến lúc này, người thân vẫn giấu chị việc anh Sơn đã tử vong. 
“Tiếng gió rít mạnh như có hàng trăm chiếc máy bay trên trời, tôn, ngói, cây cối không biết ở mô ào ào lao tới như ai phóng. Cả nhà chạy chưa ra khỏi cửa thì nhà sập…”. Chị Trần Thị Tỷ (57 tuổi) ở thôn Hà Sơn, xã Quảng Văn mới cất được ngôi nhà gỗ chưa tròn năm bỗng tan tành sau 15 phút lốc giật bay. “Khi lốc xoáy ập tới, nghĩ chạy ra ngoài thì cũng chết chắc nên chúng tôi chui xuống gầm bàn, miệng lẩm bẩm cầu trời phù hộ nhưng rồi nhà đè lên bàn cũng sập luôn đè lên, cả 3 người...”.
Trận lốc xoáy này kéo qua 4 xã chỉ trong 15 phút nhưng theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Quảng Trạch, 464 ngôi nhà đã bị tốc mái và sập, xã Quảng Sơn 300 nhà, xã Quảng Minh 21 nhà, Quảng Thủy 60 nhà và xã Quảng Văn 83 nhà. Nhà đổ, tường sập đã làm 3 người chết là anh Phan Xuân Sơn (48 tuổi), anh Mai Xuân Thụ (43 tuổi) và bà Lê Thị Ty (55 tuổi), cùng ở xã Quảng Sơn; 27 người khác cũng bị thương…
Đường sắt Bắc - Nam đã thông tuyến
Theo ông Nguyễn Thanh Khánh - Phó Giám đốc Ga Đồng Hới, các tàu SE6, SE4, SE2, TN2, SE8 với hàng ngàn hành khách bị mắc kẹt tại Quảng Bình đã tiếp tục hành trình của mình. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị hư hỏng tại Quảng Bình đã được khẩn trương khắc phục và thông tuyến chính thức vào sáng 17/10.
Hoàn lưu bão số 11 khiến Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to đến rất to; cùng với việc một số hồ đập xả lũ khiến 35 xã, thị trấn, 13.856 hộ dân bị ngập trong nước, 3 người chết, 4 người mất tích và 3 người bị thương.
Tại Nghệ An, nhiều xã ven sông Lam ngập nặng. Tại huyện Nam Đàn, em Nguyễn Thị Thủy ở xóm Khe Lau, xã Nam Kim, trên đường đi học về bị nước cuốn trôi, hiện chưa tìm thấy xác. Chiều 17/10, lượng mưa đã cơ bản giảm hơn những ngày trước nên tình hình ngập lụt tại các tuyến đường giao thông được cải thiện, nhờ vậy một số tuyến đường đã được thông xe.
Tại Thanh Hóa, mưa lũ đe dọa an toàn nhiều hồ đập. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, trên địa bàn có 610 hồ đập có dung tích từ 150m3 trở lên, trong đó có 92 hồ nằm trong tình trạng mất an toàn; đặc biệt 17/92 hồ đập trong tình trạng nguy hiểm.

Đọc thêm