Quốc hội bức xúc những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi“

(PLO) - Mặc dù chưa phải phiên chất vấn trực tiếp, mới chỉ là phần làm việc liên quan đến công tác chất vấn của 3 kỳ họp trước, nhưng sáng nay (19/11), diễn đàn QH đã bắt đầu “nóng” lên với những câu hỏi của các ĐB QH. 
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (HCM) phát biểu trong phiên họp sáng nay
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (HCM) phát biểu trong phiên họp sáng nay
Trong phiên làm việc sáng nay, 15 đại biểu đã phát biểu tại hội trường. Phần lớn các ý kiến đều tập trung vào những vẫn đề “nói rồi, nói mãi” mà vẫn chưa được giải quyết triệt để. 
Vấn đề lũ lụt, hồ thủy điện đã được ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) bức xúc phản ánh trước QH.  Ông nói: Bà con miền trung đang ngập chìm trong lũ. Lũ chồng lũ làm nhiều người thiệt mạng, cuộc sống người dân khó khăn, đảo lộn. Nguyên nhân được cho là các hồ thủy điện xã lũ không đúng quy trình. 
ĐB Đương đặt vấn đề  cần phải điều tra, xem xét xem việc xả lũ tại một số nơi ở miền trung có đúng quy trình hay không. Ngành chức năng làm hết trách nhiệm chưa? Cần xử lý một vài trường  hợp cụ thể để nơi khác nhìn vào đó mà làm gương.
Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) chuyển lời kiến nghị của bà con vùng lũ tới QH. Theo lời ĐB, cử tri cho rằng CP, các bộ, ngành, địa phương đã rất quyết liệt trong phòng tránh lũ. Nhưng điều cử tri cần là bên cạnh sự quyết tâm ấy, Chính phủ phải có những giải pháp căn cơ để giải quyết phòng chống bão lũ, khắc phục hậu quả. 
“Năm nào cũng bị lũ lụt. Phó thủ tướng vào thăm, rất quyết tâm thể hiện việc phải đẩy lùi lũ lụt. Nhưng vì nhiều công việc quá, quyết tâm chưa thành hành động. Phó thủ tướng ra thì lũ lại về.” ông nói.
Theo ĐB tỉnh Hà Tĩnh, cần phải có những biện pháp căn cơ. Ông cũng đưa thêm dẫn chứng với con số thiệt hại do lũ lụt hàng năm là 1/5GDP. Và theo  ông, đây là con số có thể dùng để thực hiện xóa đoái giảm nghèo.
Một trong những biện pháp đại biểu tỉnh Hà Tĩnh đưa ra là phải quy hoạch lại thủy điện, thủy lợi. Không thể để có việc xả lũ mà chính quyền địa phương không biết, người dân không biết. Phải điều tra, xử lý kỷ luật thậm chí là trách nhiệm hình sự đối với việc xả lũ vô tội vạ.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (HCM) đặt câu hỏi với Chính phủ và với riêng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi theo bà, nhiều việc chúng ta đã làm được. Nhưng việc quan trọng nhất là đạo đức con người thì lại để ngày càng xuống cấp. 
Bà đặt đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận xét về ý kiến này của cư tri: “Nếu Bộ trưởng cũng cho rằng đúng là đạo đức con người đang xuống cấp, đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm này thuộc về ai?” 
Một trong những nội dung cũng được khá nhiều đại biểu đặt câu hỏi tại phiên họp sáng nay liên quan đến chính sách người có công. Đại biểu Nguyễn Sỹ Lợi (Thanh Hóa) phản ánh về những bất cập trong chính sách với người có công khi đưa ra một vụ việc cụ thể về việc làm chế độ cho thân nhân liệt sỹ. Nhưng vì sự cứng nhắc của cán bộ, của luật pháp, nên dù đã có những nhân chứng, vật chứng rất rõ ràng, nhưng thân nhân liệt sỹ vẫn “dài cổ” chờ chế độ. 
Các đại biểu cũng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng bộ Y tế, khi những người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam đang phải mòn mỏi chờ đợi Bộ Y tế ban hành quyết định về danh mục17 loại bệnh liên quan đến loại chất độc này. Bộ Y tế cho rằng Bộ không đủ căn cứ khoa học để quyết định.
Trong phiên làm việc sáng nay, mặc dù không phải phiên chất vấn trực tiếp, nhưng 4 bộ trưởng cũng đã đăng đàn trả lời bức xúc của QH. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến tiếp thu những góp ý của ĐB Qh đối với Báo cáo của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.
Chiều nay, phiên chất vấn chính thức của QH sẽ bắt đầu với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bắt đầu từ lúc 13h50. Trước đó, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.
Được biết, những nội dung chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ xoay quanh các nội dung: Việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng đến việc chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp, chuyển đổi giống cây trồng, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, tạm trữ cà phê; …
Bộ trưởng các bộ: Y tế, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và đầu tư, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia giải trình các vấn đề có liên quan. 

Đọc thêm