Quốc hội cần "lên tiếng" những chuyện này!

(PLO) - Dư luận đang hết sức xôn xao về chuyện “chồng buộc thôi việc vợ” ở thành phố Bà Rịa.
Quốc hội cần "lên tiếng" những chuyện này!

Chồng là Chủ tịch UBND thành phố, vợ là kế toán trưởng một cơ quan đang có vụ “thất thoát” trên 1 tỷ đồng, chồng ký quyết định cho vợ thôi việc và bất ngờ chỉ mấy tháng sau bà vợ trở thành phó tổng giám đốc của một công ty có 51% vốn nhà nước. Một chiêu “kim thiền thoát xác” ngoạn mục nhưng đã làm chướng tai, gai mắt bất kỳ người dân nào khi biết chuyện này.

Nó là chuyện nhỏ, xảy ra ở một thành phố nhỏ nhưng gây hệ lụy rất lớn bởi phô bày một thực trạng quản lý nhà nước, quản lý nhân sự, quan hệ “thân gia quyến thuộc”... bất chấp những quy định pháp luật và cả đạo lý thông thường.

Nếu vụ việc này xảy ra ở Quảng Bình hẳn là đã được ngăn chặn bởi quy định của Tỉnh ủy đối với các sự việc tương tự sẽ bị nhận hình thức kỷ luật xứng đáng. Vậy nên, có ông phó giám đốc sở đã phải xin từ chức vì để vợ sinh con thứ ba.

Trên diễn đàn Quốc hội đang có những ý kiến hết sức bức xúc về tình hình biên chế, bộ máy cồng kềnh, “công chức cắp ô”, tình trạng “nông dân cõng công chức béo”, thâm thủng ngân sách, tham nhũng..., hẳn câu chuyện này là một minh chứng sống cho tình trạng kể trên.

Quốc hội cũng phải cần biết đến những chuyện dù đã “phân cấp quản lý”, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm nhưng khiến dư luận bức xúc, thậm chí phản đối như việc trúng thầu của một công ty Trung Quốc trong việc cung cấp ống gang dẻo cho đường dẫn nước sông Đà. 

Thật khó mà lý giải với người dân khi một công ty xây dựng đường ống đã 17 lần xảy ra sự cố mà vẫn được giao làm đường ống thứ hai, khi tình trạng những công ty Trung Quốc trúng thầu xây dựng các công trình ở nước ta luôn luôn bị “đội” giá, tiến độ chậm và chất lượng không đạt yêu cầu, gây ra nhiều hệ lụy bất ổn xã hội mà vẫn tiếp tục trúng thầu.

Mặc dù Hà Nội đã được Chính phủ đồng ý tạm dừng ký hợp đồng với nhà thầu này nhưng Quốc hội cần phải biết và phải có ý kiến, quan điểm rõ ràng trong những chuyện tương tự!

Đã rất nhiều câu chuyện hoặc sự việc, sự kiện hoặc sự cố từ cuộc sống, dù nhỏ hay lớn, dù cá biệt hay phổ biến, dội đến nghị trường Quốc hội và từ đó pháp luật được điều chỉnh cho phù hợp hoặc tác động để pháp luật được thực thi.

Những chuyện gây bức xúc dư luận, nhiều người quan tâm, giới truyền thông lên tiếng..., đó là “chất liệu sống” làm nên một nghị trường sôi động, thu hút sự quan tâm của cử tri và tiền đề cho những quyết sách kịp thời, hợp lý, được lòng dân.

Đọc thêm