Quốc hội phải bày tỏ thái độ về tình hình Biển Đông

(PLO) - Cuối phiên họp chiều nay (5/6), Quốc hội đã họp kín nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày.
Quốc hội phải bày tỏ thái độ về tình hình Biển Đông
 Đây là nội dung được bổ sung vào chương trình theo đề nghị của ĐBQH tại phiên họp trù bị của Quốc hội sáng 20/5 trước khi kỳ họp thứ 9 chính thức được khai mạc.
Trước đó, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH đã bày tỏ những lo ngại trước diễn biễn của tình hình Biển Đông và đề nghị Chính phủ cần có thông tin đầy đủ, cũng như chủ động để “ứng phó với tình huống xấu nhất nếu có”.
ĐB Nguyễn Doãn Khánh - Phó Ban Nội chính TƯ nhận định, tình hình biển Đông ngày càng nóng, có sự can thiệp của nhiều nước lớn. Việt Nam là một trong những nước nằm trực tiếp trong điểm nóng, nên tiềm ẩn nguy cơ nóng hơn sự kiện giàn khoan trước đây. Đề nghị, trong báo cáo đánh giá về kinh tế, xã hội những tháng cuối năm Chính phủ phải báo cáo tình hình biển Đông để cùng tính toán, ứng xử. 
“Chúng ta cần đánh giá sát sao, dự báo tình hình chính xác để chủ động ứng phó với tình huống xấu nhất nếu có. Đặc biệt là tác động trực tiếp của biển Đông đến phát triển kinh tế - xã hội”.
ĐB Nguyễn Anh Sơn – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết, "Tôi vừa đi Trường Sa lần thứ hai về, với những gì mà Trung Quốc đã làm, tôi rất lo. Dù các nhà phân tích trên thế giới nói là khó có khả năng xảy ra va chạm quân sự lớn. Nhưng trong thâm tâm tôi rất lo. Quốc hội cần bày tỏ rõ ràng quan điểm của mình về vấn đề Trung Quốc đang mở rộng, xây dựng trái phép trên các đảo ở Trường Sa chứ không chỉ đơn thuần là thông báo một việc đã nghe, đã biết. Như thế tôi cho là không phù hợp".
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cũng chia sẻ với báo chí rằng, ĐBQH đều rất bức xúc, giống như bức xúc của nhân dân, bày tỏ lòng yêu nước, cực lực phản đối hành động leo thang nguy hiểm của Trung Quốc ở biển Đông nên Quốc hội cũng phải bày tỏ ý chí bằng hình thức phù hợp để thể hiện trách nhiệm của QH trước tình hình này.
Về vấn đề Trung Quốc tiến hành các hoạt động cơi nới, xây dựng các công trình dân sự và quân sự trá hình tại khu vực quần đảo Trường Sa, ĐB Lê Nam - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Trung Quốc muốn đóng những “cột mốc” bằng việc xây dựng các công trình đồ sộ, trường tồn, vĩnh cửu trên Biển Đông chứ không phải công trình đơn giản. 
Và nếu để họ ngang nhiên xây dựng những công trình vĩnh cửu như vậy trên lãnh thổ Việt Nam thì có nghĩa chúng ta đang mất đi những phần lãnh thổ thiêng liêng của mình. Tôi thấy Quốc hội phải bày tỏ thái độ, bởi Quốc hội đại diện cho nhân dân, trong lúc cử tri bức xúc, nhân dân mong đợi thì Quốc hội nên có ứng xử phù hợp với mong muốn của cử tri. Đây là điều cần thiết vào lúc này.
Và với  những lo lắng về tình hình Biển Đông, những câu hỏi của ĐBQH gửi đến Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào tuần sau, “liên quan đến tất cả các vấn đề kinh tế xã hội, trong đó có vấn đề Biển Đông” - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin hôm 4/6./.

Đọc thêm