Quốc hội thảo luận dự án Luật Biên phòng Việt Nam: Các nội dung cơ bản bảo đảm đồng bộ, khả thi

(PLVN) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều  21/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc. Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng là phù hợp, không chồng chéo với Công an, Hải quan.
Đại biểu Nguyễn Văn Chương phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Văn Chương phát biểu.

Theo dự thảo Luật, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) có quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vi phạm của pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Có ý kiến lo ngại, quy định này chồng chéo với thẩm quyền của lực lượng Công an, Hải quan. Hay về vị trí chức năng của BĐBP, có ý kiến cho rằng cần cân nhắc cụm từ “là lực lượng chuyên trách làm nòng cốt” và chức năng duy trì an ninh, trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu quốc gia, vì sẽ chồng chéo hoặc “lấn sân” của Luật Công an nhân dân. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) nhấn mạnh, quy định về quyền hạn của BĐBP đã bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của pháp luật có liên quan và không có sự mâu thuẫn, xung đột với các luật khác như Luật Hải quan năm 2014. Theo đó, Hải quan có quyền kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải, phòng, chống buôn lậu các loại hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế trong xuất nhập khẩu… Còn BĐBP có quyền “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. 

Về mục đích, theo ông Hải, lực lượng Hải quan kiểm soát về hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh xem hàng hóa có đủ giấy tờ xuất nhập khẩu theo đăng ký hay không, còn BĐBP kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh để bảo đảm về mặt an ninh đối với hàng hóa, thủ tục, giấy tờ đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện xuất, nhập cảnh và các phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP HCM) thì phân tích, việc chỉ định lực lượng chuyên trách làm nòng cốt là thống nhất với các nghị quyết của Bộ Chính trị, phù hợp với Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh biên giới năm 2004, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Quốc phòng năm 2018 và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh (sửa đổi năm 2019).

“Sự phù hợp đó không có điều gì phải bàn cãi, vì người gác cửa biên giới quốc gia được Nhà nước giao cho lực lượng BĐBP, lực lượng này phải là lực lượng chủ yếu trong việc bảo vệ biên giới quốc gia. Do vậy, họ giữ vai trò nòng cốt, chủ trì là hoàn toàn đúng đắn”, ông Chương khẳng định.

Ngoài ra, cũng theo ông Chương, ở khu vực biên giới quốc gia có những quy định riêng, an ninh riêng mà căn cứ vào đó BĐBP thực thi nhiệm vụ của mình, những quy định đó có sự khác biệt với an ninh nội địa. An ninh biên giới, trật tự biên giới do BĐBP chịu trách nhiệm giữ vai trò chủ trì, còn nhiệm vụ nào cần phối hợp với lực lượng Công an thì ông chắc chắn rằng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp sao cho việc thực thi pháp luật của 2 lực lượng này không giẫm đạp và chồng chéo lên nhau. 

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) tán thành, việc quy định BĐBP có quyền hạn kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ khách quan, minh bạch, không chồng chéo với các lực lượng khác cùng tham gia tại khu vực biên giới, cửa khẩu. 

Tuy nhiên, ông Tuấn chỉ rõ, tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật quy định: “BĐBP có quyền hạn tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; đấu tranh ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Tại khoản 3 cũng lại quy định quyền hạn của BĐBP là “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Từ đó, ông đề nghị Ban soạn thảo xem xét có thể gộp 2 khoản này lại thành một khoản cho ngắn gọn, tránh trùng lặp, dễ thực hiện.

Kết luận một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, về cơ bản các nội dung của Dự án Luật được rà soát, bảo đảm đồng bộ, thống nhất nhiều nội dung đã được chỉnh sửa theo góp ý của đại biểu Quốc hội. Các quy định đã bám sát chủ trương, chính sách lớn, tạo cơ sở nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng lực lượng BĐBP ngày càng lớn mạnh, phù hợp với tình hình mới; các nội dung cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp theo quy trình.

Đọc thêm