Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

(PLO) - Hôm qua (18/11), trước khi các Đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (bằng cách ghi trực tiếp trên phiếu), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường và chỉnh lý DTSĐHP năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Các trường hợp thu hồi đất sẽ do Luật Đất đai quy định
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Về thu hồi đất (Khoản 3 Điều 54), có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “được Quốc hội, HĐND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt” trước cụm từ “vì mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia...”. Có ý kiến băn khoăn về cụm từ “thật cần thiết” trong các trường hợp thu hồi đất vì rất khó xác định.
Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, để tránh lạm dụng và hạn chế việc thu hồi đất tùy tiện, Hiến pháp chỉ quy định nguyên tắc về thu hồi đất và các trường hợp được thu hồi đất; còn thẩm quyền xem xét, phê duyệt, quyết định cụ thể và xác định như thế nào là trường hợp “thật cần thiết” để thu hồi đất thì sẽ do Luật Đất đai quy định. 
Do đó, Ủy ban DTSĐHP xin phép Quốc hội cho giữ quy định về thu hồi đất như Dự thảo (Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật).
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập
Về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương: Qua thảo luận, có Đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về đơn vị hành chính và chính quyền địa phương như Dự thảo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Hiến pháp quy định khái quát về các đơn vị hành chính, còn việc phân định cụ thể đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh sẽ do luật định phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Về mô hình, Hiến pháp cần xác định chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung đơn vị hành chính hải đảo; quy định rõ thẩm quyền thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thuộc Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban DTSĐHP đề nghị quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như sau: Về đơn vị hành chính (Điều 110), Dự thảo tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cả nước và xin bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập như Dự thảo.  
Việc không bổ sung đơn vị hành chính hải đảo vào Điều 110 là vì khi xác lập đơn vị hành chính ở hải đảo phải căn cứ vào các đặc điểm về diện tích, quy mô dân số và các yếu tố khác liên quan,… mà cơ quan có thẩm quyền xác định hải đảo đó là đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã. Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, do đây là loại đơn vị hành chính có tính chất “đặc biệt” với những cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế cũng như về hành chính, có thể không phù hợp với một số quy định của luật, vì vậy, việc thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này phải do Quốc hội quyết định; còn đơn vị hành chính - kinh tế  đặc biệt trực thuộc Trung ương hay trực thuộc tỉnh thì sẽ do luật định khi Quốc hội quyết định thành lập.   
Về tổ chức chính quyền địa phương (Điều 111): Dự thảo quy định chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính địa phương của nước CHXHCN Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. 
Theo Ủy ban DTSĐHP, cách quy định như vậy một mặt cơ bản giữ ổn định mô hình tổ chức của chính quyền địa phương hiện hành; mặt khác, tạo điều kiện cho việc tiếp tục đổi mới, tạo cơ sở hiến định cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương sau khi có kết quả tổng kết, đánh giá việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và bước đầu thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, chính quyền ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở một số địa phương. Quy định như vậy cũng bám sát các văn kiện Đại hội Đảng.
Riêng về UBND (Điều 114): Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “UBND do HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch UBND cùng cấp” để thực hiện thống nhất nguyên tắc: Ở  mỗi cấp chính quyền địa phương đều có HĐND và UBND.
Tiếp thu ý kiến nêu trên, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại theo hướng:  “UBND ở mỗi cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên; UBND ở mỗi cấp chính quyền địa phương tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao”.
DTSĐHP 1992 sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 28/11 tới.

Đọc thêm