Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội: Tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp

(PLO) - Hôm qua (11/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội với tỷ lệ 100%.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp      Ảnh : Đình Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp Ảnh : Đình Nam

UBTVQH thống nhất việc ban hành Quy chế là cần thiết nhằm cụ thể hóa Luật Hoạt động giám sát của QH và Hội đồng nhân dân 2015, đảm bảo cho việc thực hiện hoạt động giám sát của QH, các cơ quan của QH; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. 

Trước đó, đóng góp ý kiến về vấn đề giám sát, cho rằng cần quan tâm đến chất lượng Đoàn giám sát đi thực tế như thế nào, có làm phiền địa phương hay không? Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị: Đoàn giám sát đi đến địa phương thì không nên yêu cầu địa phương đón tiếp một cách rườm rà. Ngoài ra, mỗi đoàn đi có kinh phí của mình, kinh phí ăn ở thì đoàn tự trả không nên làm phiền địa phương.

Còn Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, giám sát nên ở tầm vĩ mô, tập trung giám sát việc ban hành và thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật trong thực tiễn cuộc sống. Làm sao qua giám sát tạo sức lan tỏa, góp phần tác động đến việc ban hành, thi hành chính sách. 

Băn khoăn đến việc cần điều hòa giám sát nên như thế nào cho hợp lý, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị: “Chúng ta cần cố gắng làm sao 1 năm không quá 4 đoàn giám sát đến 1 địa phương. Giám sát của chúng ta là giám sát về chính sách và thực hiện chính sách, nên chủ yếu thực hiện ở các bộ. Đến các địa phương chỉ là để xem thực tế triển khai như thế nào, mang tính chất chính trị và tìm trách nhiệm chính trị, trách nhiệm quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương không nghiêm túc với hoạt động giám sát”.

Đồng quan điểm với các ý kiến đã nêu, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, giám sát phải chất lượng chứ không phải cứ đi quá đông thành viên nhưng không mang lại hiệu quả. Theo bà, thực tiễn có những bài báo phản ánh một vấn đề bức xúc, nổi cộm còn có tác động mạnh mẽ hơn cả một cuộc giám sát.

Do vậy, giám sát cũng không nên quá nhiều, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp. “Chúng ta phải đặt mình vào vị trí lãnh đạo địa phương, địa phương thì nhiều việc mà phải đón 4,5 đoàn giám sát thì họ làm việc thế nào được. Tuy nhiên, các địa phương phải tôn trọng hoạt động giám sát của QH”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Đọc thêm