'Quy chế tuyển dụng phải nghiêm, không để con em trong ngành nể nang nhau'

Dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chiều 3/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, ngành cần có quy chế tuyển dụng thật nghiêm, không để tính cục bộ, con em trong ngành nể nang nhau, để làm sao thu hút được nhân tài.
'Quy chế tuyển dụng phải nghiêm, không để con em trong ngành nể nang nhau'

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận những đóng góp quan trọng của ngành công thương, trực tiếp là EVN vào những thành tựu chung của đất nước năm 2016. Đặc biệt, EVN đã cố gắng bám sát, triển khai thực hiện tốt chủ đề “nâng cao năng lực quản trị trong EVN”; đã bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân; khắc phục nhanh việc cung cấp điện phục vụ công tác khắc phục hậu quả bão lũ; thực hiện tốt việc tái cơ cấu, tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân bằng tài chính và kinh doanh có lợi nhuận; đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, cụ thể, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 5 bậc. “Tôi có theo dõi tiếng kêu của dân, của doanh nghiệp đã giảm đáng kể”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế. Chúng ta có dự phòng nguồn điện, nhưng không đồng đều và còn quá thấp, nhất là ở miền Nam. Do đó, năm 2017-2019 có nguy cơ không đáp ứng đủ điện cho miền Nam. Với một số dự án nhiệt điện khu vực miền Nam do các đơn vị khác ngoài EVN đảm nhận có thể không vận hành theo tiến độ, Thủ tướng mong muốn EVN cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn này.

Với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chỉ số tiếp cận điện năng có tăng, nhưng vẫn đứng thứ 96/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 6 trong ASEAN, vì vậy EVN cần nỗ lực hơn để cải thiện chỉ số này. Cùng với đó, một số công trình xây dựng cơ bản chất lượng thấp, thất thoát mà báo chí, dư luận đã phản ánh. Có một số dự án ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Thời gian tới, Thủ tướng cho biết, nhu cầu điện phục vụ tăng trưởng kinh tế (với mức tăng trưởng GDP hằng năm 6,5-7% thời gian tới) là rất lớn khi chúng ta đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Một số ngành công nghiệp quan trọng phải tự cân đối, kể cả thép.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu EVN tập trung vào một số nhiệm vụ. EVN phải tiếp tục là tập đoàn Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện quốc gia. Bảo đảm thực hiện đúng tiến độ các dự án điện, đề xuất các cơ chế để mọi thành phần tham gia lĩnh vực này, đặc biệt đề xuất cơ chế tài chính, đầu tư nguồn và lưới điện để tạo điều kiện cho EVN thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề này. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển điện, “đừng để nước đến chân mới nhảy”, không để nước ta thiếu điện trong trung và dài hạn.

Thực hiện tốt việc cơ cấu lại Tập đoàn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Hoàn thành cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 3 trong năm 2017 và 2 tổng công ty phát điện còn lại trong năm 2018. Đổi mới sắp xếp khối phát điện, phân phối và bán lẻ điện, vận hành hệ thống điện và thị trường điện, bảo đảm đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động hiệu quả, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

EVN chỉ giữ lại 6 nhà máy thủy điện chiến lược, đa mục tiêu và các nhà máy liên quan đến nhà máy đa mục tiêu khác, lưới truyền tải và phân phối, còn lại cổ phần hóa khâu bán lẻ và dịch vụ. Tăng cường công tác quản trị, sắp xếp bộ máy quản lý để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, bảo đảm hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý điều hành, nhất là tài chính. Công khai, minh bạch, chống tham ô, tham nhũng trong mọi khâu, nhất là trong cổ phần hóa và đầu tư xây dựng.

Ngành điện phải đóng góp trực tiếp vào việc nâng hạng môi trường cạnh tranh của Việt Nam vào nhóm đầu ASEAN. Đây là nhiệm vụ vất vả, nhưng Thủ tướng tin, ngành điện sẽ làm được.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong phát triển phải chú ý bảo vệ môi trường, rút kinh nghiệm các dự án trước đây có nguy cơ ô nhiễm để chủ động bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Không sản xuất điện với mọi giá để ảnh hưởng đến đời sống nhân dân vùng có nhà máy điện.

Có quy chế tuyển dụng thật nghiêm, không để tính cục bộ, con em trong ngành nể nang nhau, để làm sao thu hút được nhân tài.

Về điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội nhất trí cho dừng dự án, Thủ tướng đề nghị EVN, với tư cách chủ đầu tư, phải sắp xếp phù hợp nhân sự của dự án, sử dụng cơ sở vật chất có hiệu quả, “đừng để hoang hóa, hư hỏng bất cứ cơ sở vật chất nào”; phải tính toán để bù đắp sản lượng điện do không làm điện hạt nhân.

Cho ý kiến về các kiến nghị cụ thể của EVN, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, “những kiến nghị gì về thể chế, chính sách mà ràng buộc khiến các đồng chí không phát triển được, thuộc phạm vi của Chính phủ thì Chính phủ đồng ý tháo gỡ”, để tạo ra sức sống mới cho ngành điện.

Đọc thêm