Quy định khống chế giờ làm thêm phải như 'tấm lưới bảo vệ người lao động'

(PLVN) - “Cơ quan y tế cũng nói làm thêm liên tục 50 giờ là sức khỏe sẽ rất có vấn đề. Vì vậy, 40 giờ là tột đỉnh rồi”, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi.

Theo dự kiến, hôm nay, 23/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau đối với dự án luật này là đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành).

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật - cho rằng, mong muốn của Chính phủ là những ngành nghề thực sự có yêu cầu cho xuất khẩu mà không làm cả năm thì cho tăng giờ.

 “Nhưng việc này Chính phủ phải báo cáo thật cụ thể trước Quốc hội để các đại biểu thấy rằng việc làm thêm không phải là đại trà. Bởi, khi chúng ta trình mà không làm rõ nên người lao động nghĩ rằng, kéo dài thời gian làm thêm đồng nghĩa với việc tăng cường độ lao động, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của người lao động, khiến họ kiệt sức”, Đại biểu Lợi nói.

Theo ông Lợi, Chính phủ thấy những ngành nghề nào cần thiết thì đề xuất Quốc hội giao cho Chính phủ để quy định giờ làm thêm nhưng phải quản rất chặt để đảm bảo sức khỏe của người lao đông, tránh tai nạn lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng việc tăng giờ làm thêm chỉ tập trung ở một số ngành nghề trọng điểm và không phải tăng cả năm: da dày, dệt may, thủy sản và điện tử.

“Đơn cử ngành thủy sản, lao động chỉ làm trong 4 tháng, sau đó lại nghỉ 3 tháng mới đến thời vụ. Nếu khống chế thì sẽ không có người làm thêm”, ông nói. “Người làm thêm phải đồng thuận, trên cơ sở chủ sử dụng lao động yêu cầu, nhưng nếu người lao động không có sức khỏe, không muốn thì không ai ép buộc được. Ai cần thì làm thêm và khi làm thì phải được trả lương, được nghỉ bù…”.

Đại biểu Lợi cũng nhấn mạnh, “quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội dứt khoát không đặt vấn đề tăng thời gian làm thêm”. 

Trong suốt quá trình vừa qua, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội với tư cách là cơ quan thẩm tra chưa bao giờ ủng hộ việc tăng thời gian làm thêm. “Đó là vì để đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động”, ông lý giải.

Về lý do không khống chế giờ làm thêm theo năm mà phải khống chế cả theo tuần, theo tháng, ông Lợi cho rằng quy định như vậy “giống như một tấm lưới bảo vệ người lao động”.

Theo đại biểu này, thực tế không chỉ chủ lao động mà cả người lao động cũng muốn làm thêm vì tiền lương không đủ sống nhưng pháp luật phải quy định để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. 

Doanh nghiệp phải chia sẻ và người lao động cũng phải chia sẻ. Người lao động làm thêm một chút, nhưng doanh nghiệp cũng phải cố gắng tuyển thêm lao động. Dù lao động còn thiếu nhưng phải áp dụng nhiều biện pháp như công nghệ, luân chuyển lao động, tuyển lao động thời vụ...

"Phải dùng nhiều biện pháp chứ không nên thả ra”, ông nói. “Người lao động có khi cũng vì đồng tiền mà chạy theo. Tôi đi Bình Dương thấy rất đau lòng, công nhân thì gầy gò, ốm yếu nhưng vẫn xin được làm thêm giờ dù không bảo đảm sức khỏe. Nhưng như vậy, chẳng khác nào người lao động lúc trẻ bỏ sức ra kiếm tiền, già lại phải bỏ tiền mua sức khỏe”.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trách nhiệm của nhà nước chính là ở đây. “Cơ quan y tế cũng nói làm thêm liên tục 50 giờ là sức khỏe sẽ rất có vấn đề. Vì vậy, 40 giờ là tột đỉnh rồi”, Đại biểu Lợi nhấn mạnh.

Về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết “hoàn toàn yên tâm” vì quy định này chỉ áp dụng với những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường, rơi chủ yếu vào công chức, viên chức.

Ông Lợi cũng nhấn mạnh "đừng nghĩ rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu là chiếm chỗ của lớp trẻ", bởi lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu rất chậm, 3 tháng mỗi năm đối với nam và 4 tháng mỗi năm đối với nữ. Điều đó có nghĩa là đến năm 2028 mới có nam giới đầu tiên về hưu ở tuổi 62 và 2035 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu vào tuổi 60.

“Hiện nay chúng ta đã vào thời kỳ cung lao động thấp hơn cầu. Năm 2014, mỗi năm chúng ta có 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và tham gia vào thị trường lao động nhưng đến nay chúng ta chỉ có khoảng 400.000 người và con số này giảm xuống cực kỳ mạnh. Như vậy là do quá trình kế hoạch hóa gia đình của chúng ta trong 20 năm qua luôn giữ ở mức sinh thay thế với tỷ lệ 2,1 con trên một phụ nữ. Cho nên đến nay, sau 20 năm, chúng ta thiếu lực lượng lao động. Đối với những lao động làm việc trực tiếp, lao động trong hầm lò, nặng nhọc không nâng tuổi nghỉ hưu mà chỉ nâng trong nhóm những lao động gián tiếp…”, ông Lợi nói.

Đọc thêm