Quy định mới nhằm phòng ngừa hiệu quả hành vi phạm tội

(PLO) - Từ 1/7/2016, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành với các quy định mới được áp dụng nhằm đề cao hiệu quả phòng ngừa, tăng tính hướng thiện trong xử lý người có hành vi phạm tội. 
Quy định mới nhằm phòng ngừa hiệu quả hành vi phạm tội

Các quy định mới minh bạch, khả thi, có tính dự báo cao nhằm đấu tranh với nhóm tội phạm xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình được quy định tại Chương 18 Bộ luật Hình sự. Báo PLVN xin được giới thiệu những điểm mới tại các quy định này.

Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự

Vô sinh, hiếm muộn đang là vấn đề xã hội không chỉ của Việt Nam, còn là vấn đề xã hội của những nước phát triển. Vì mục đích nhân đạo, nhiều quốc gia tại châu Á như Thái Lan, Ấn Độ coi mang thai hộ có động cơ thương mại được coi là hợp pháp. Ngược lại, tại nhiều quốc gia có nền y học tiên tiến, coi việc mang thai hộ dưới bất kỳ hình thức nào đều bất hợp pháp.

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, quyền cơ bản của công dân được đảm bảo, Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) năm 2014, được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 khóa 13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015 đã có những điểm mới, Nhà nước cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016, tại Điều 187 đã quy định hành vi “tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” được xác định là hành vi phạm tội, phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này cũng nhằm ngăn ngừa những đối tượng lợi dụng chủ trương nhân đạo của Nhà nước để thương mại hóa việc mang thai hộ, hình thành “thị trường chợ đen”, đưa người phụ nữ trở thành công cụ, đứa trẻ sinh ra trở thành món hàng trong hoạt động mang thai hộ như đã từng xảy ra tại một số quốc gia, đi ngược chủ trương nhân đạo được quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình.

Trốn tránh cấp dưỡng: có thể bị phạt đến 2 năm tù

Kế thừa và phát huy quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 trên cơ sở là quy định hữu hiệu nhằm góp phần bảo vệ và thúc đẩy các quan hệ xã hội. Các hành vi xâm hại các quyền cơ bản của công dân phải được xử lý nghiêm, việc áp dụng hình phạt đối với những hành vi xâm phạm quyền con người được thực hiện trên thực tế. Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định mới về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.

Theo đó, trong trường hợp chưa để xảy ra hậu quả nhưng đã bị xử phạt vi phạm về việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cũng bị xem xét trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ của một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống như giữa vợ và chồng; cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu hoặc nuôi dưỡng hoặc nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh theo quy định của pháp luật.

Đây là quyền đảm bảo cho sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của người được cấp dưỡng. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng phải có khả năng cấp dưỡng, Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng thì không phải là hành vi phạm tội.

Trên thực tế, nhiều trường hợp người phạm tội như con cái trong gia đình không nhận thức rõ nghĩa vụ cấp dưỡng cho bố mẹ nên đã từ chối hoặc tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Do mức độ nguy hiểm của tội phạm chưa cao, hành vi phạm tội chủ yếu xảy ra trong quan hệ hôn nhân và gia đình nên Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng như Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này mức án 02 năm tù, một trong các điều kiện để người vi phạm pháp luật có cơ hội thay đổi ở ngoài xã hội, bảo đảm cuộc sống gia đình, thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

“Ngoại tình” được luật hóa hậu quả

Nhằm tạo cơ sở pháp lý sắc bén để đấu tranh phòng chống có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, là công cụ hữu hiệu bảo vệ, thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những quy định mới đối với các hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Những quy định mới được áp dụng trên cơ sở đổi mới về nhận thức, về chính sách hình sự, đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng, mọi người dân tự bảo vệ mình, chủ động tích cực bảo vệ trật tự xã hội.

Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định hết sức rõ ràng, những người vi phạm quy định này nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Do hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng dẫn đến việc vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã được Tòa án tuyên hủy hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng mà vẫn tiếp tục chung sống như vợ chồng được xác định là tình tiết định khung hình phạt, người có những hành vi vi phạm này có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

So với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, các hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình được ghi nhận ngay trong điều luật, chưa cần phải có văn bản hướng dẫn thi hành luật các cơ quan tư pháp đã xác định được mức hình phạt đối với những hành vi tương ứng.

Đọc thêm