Quyết định bất ngờ của Tổng thống Putin

(PLO) - Ngày 15/3, các chiến đấu cơ đầu tiên rút khỏi Syria đã được chào đón như anh hùng tại Nga, đánh dấu việc rút quân đầy bất ngờ mà phương Tây hy vọng sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình bằng việc gây sức ép với chính quyền Damascus.
Tổng thống Putin bất ngờ rút quân khỏi Syria.
Tổng thống Putin bất ngờ rút quân khỏi Syria.

Trong một dấu hiệu cho thấy khả năng tiến triển, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố sẽ tới Moskva vào tuần tới để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Sergei Lavrov nhằm “cố gắng tận dụng thời điểm này”. 

Thúc đẩy Đông - Tây

Ông Kerry nói: “Các cuộc hội đàm sẽ thảo luận về cách chúng tôi có thể thúc đẩy tiến trình chính trị hiệu quả và cố gắng tận dụng thời điểm này như thế nào”. Ông Kerry không đưa ra thời điểm cụ thể cho chuyến thăm này, nhưng người phát ngôn của ông nói với các phóng viên rằng chuyến thăm đó có thể diễn ra sau ngày 22/3 khi đặc phái viên Mỹ trở về nước sau chuyến thăm tới Cuba với Tổng thống Barack Obama.

Trong khi đó, tại Geneva, đặc phái viên của Liên Hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura cho biết, các phe đối lập ở Syria đã đệ trình các văn bản, vạch ra các nguyên tắc chung của một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở quốc gia này. 

Trước đó, trong một động thái bất ngờ hôm 14/3, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho “các đơn vị trọng yếu” của lực lượng Nga rút khỏi quốc gia bị chiến tranh tàn phá này, nhưng Điện Kremlin phủ nhận rằng họ đang cố gắng gây sức ép với đồng minh lâu năm của họ là Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Nga sẽ duy trì một đội quân tại các căn cứ không quân và hải quân ở Syria và một quan chức cấp cao cho biết các cuộc không kích nhằm vào “các mục tiêu khủng bố” sẽ tiếp tục. 

Phương Tây theo dõi sát sao để xem lực lượng Nga đang làm gì. Tại Washington, Nhà Trắng nói rằng “những dấu hiệu đầu tiên cho thấy phía Nga đang thực hiện” quyết định rút quân. Ông Staffan de Mistura miêu tả, tuyên bố rút quân của Nga là “diễn biến quan trọng” đối với cuộc hòa đàm được khởi động hôm 14/3 tại Geneva - nỗ lực mới nhất để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu đang bước sang năm thứ sáu. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng điều này sẽ có tác động tích cực đến tiến triển của đàm phán”. 

Bước tiến của Nga

Phát biểu với Tân Hoa xã, Igor Korotchenko - Tổng Biên tập Tạp chí “National Defense” (Nga) - nói: “Nga đã giành được bước tiến quân sự đáng kể ở Syria, điều này khiến công cuộc tái hòa giải dân tộc và thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Damascus và các nhóm đối lập có thể thành hiện thực”. 

Đồng tình với quan điểm của ông Korotchenko, Giáo sư Han Xudong tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng động thái này cho thấy Nga đã sẵn sàng thương lượng về vấn đề Syria và nó rõ ràng có tác động tích cực trên thực địa. Wan Chengcai - một chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga - nói: “Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự vì hòa bình ở Syria, và Moskva sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”. 

Phe đối lập chính ở Syria cho biết, nếu hòa đàm ở Geneva đạt tiến triển, họ sẽ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với chính phủ Syria, thay vì thông qua người trung gian. Sau ngày đàm phán thứ hai, ông Mistura phát biểu với các phóng viên rằng ông sẽ cố gắng “phân tích” quan điểm của chế độ Syria và phe đối lập trong nỗ lực để tìm kiếm quan điểm chung có thể. Ông nói: “Chúng tôi… không chỉ trao đổi một số giấy tờ mà còn ý tưởng về cách đi sâu hơn trong cuộc họp tới về vấn đề tiến trình chuyển giao”. 

Còn phát ngôn viên của Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) đại diện cho phe đối lập, ông Salem al-Meslet nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo để bước vào đàm phán trực tiếp với chính phủ”. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, việc Nga rút quân “gia tăng áp lực” khiến ông Assad phải bước vào đàm phán, trong khi Bộ Ngoại giao Pháp nói rằng: “Bất kỳ việc gì giúp hướng tới lắng dịu căng thẳng ở Syria nên được khuyến khích”. 

Nga đã giành được bước tiến quân sự đáng kể ở Syria.
Nga đã giành được bước tiến quân sự đáng kể ở Syria.

Động cơ nào?

Sau khi ông Putin bất ngờ ra lệnh rút phần lớn lực lượng của Nga về nước, có ý kiến tại phương Tây nhận định rằng việc rút quân khỏi Syria là để giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế đang chật vật của Nga và nhấn mạnh rằng, “việc thiếu ngân sách” là một trong những lý do đằng sau hành động rút quân của Nga.

Là một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Nga đang thực sự đối mặt trước sức ép từ việc giá dầu sụt giảm. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng “tiền” không hẳn là lý do chính của việc Nga rút quân, đồng thời nói rằng chiến dịch của Moskva đã phần lớn đạt được mục tiêu của họ. Nga đã đạt được các mục tiêu của họ, bao gồm phá hủy hầu hết các cơ sở của IS và giúp lực lượng chính phủ Syria thay đổi vị thế trong cuộc nội chiến.

Ông Chu Yin - Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Quan hệ Quốc tế có trụ sở ở Bắc Kinh nói rằng, Nga đã đạt được các mục tiêu chiến lược ở Syria: “Các mục tiêu chính của Moskva đó là giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại vị và buộc Washington và các đối tác khác phải ngồi vào bàn đàm phán”.

Ông Chu cho rằng Nga sẽ hưởng lợi ít hơn nếu họ tiếp tục tiến hành không kích. Ông nói: “Hầu hết các cơ sở của IS đã bị tiêu diệt. Nga sẽ chỉ hưởng lợi nhiều hơn nếu họ điều động bộ binh, nhưng điều đó là không thể. Nga nhẹ nhàng rút quân bởi họ biết rằng việc tiếp tục giao tranh chỉ đồng nghĩa tốn thêm nhiều thời gian và phải can dự nhiều hơn, nhưng nhìn chung lại đạt được ít thành quả hơn”. 

Theo báo “Liên Hợp Buổi Sáng” ngày 17/3, quyết định của ông Putin rút quân chủ lực khỏi Syria khiến thế giới hoàn toàn bất ngờ. Trước đó nửa năm, Moskva bất ngờ tiến hành can thiệp quân sự vào Syria khiến chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đang “gần chết sống lại”, cũng khiến cho cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 5 năm với 270.000 người Syria thiệt mạng và hàng triệu người phải chạy sang châu Âu tị nạn dường như không có hồi kết.

Động thái mới của ông Putin lần này có thể sẽ ảnh hưởng đến chiều hướng cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời cho thấy Nga vẫn là một lực lượng quan trọng trong tiến trình giải quyết xung đột ở Syria. Nhìn bề ngoài, quyết định lần này của Nga có vẻ như có lợi cho phương Tây, bởi động cơ chính trị chủ yếu mà Mỹ và phương Tây ủng hộ quân nổi dậy ở Syria rốt cục vẫn là nhằm lật đổ chế độ Assad.

Tuy nhiên, xem kỹ chiến lược Trung Đông của Nga thì quyết định của ông Putin có thể cho thấy những tính toán chính trị phức tạp hơn. Hành động của Moskva đưa quân tới Syria đã đạt được mục đích chiến lược đề ra.

Thứ nhất, nó đã bảo vệ được chế độ Assad, do đó duy trì được điểm dừng chân chiến lược của Nga ở Trung Đông.

Thứ hai, nó khiến cho các nước phương Tây rơi vào trạng thái bị động chiến lược ở Trung Đông. Trong khi Washington vẫn chưa quyết định làm thế nào để lật đổ ông Assad, sự can thiệp quân sự của Nga đã bác bỏ các hành động quân sự của Mỹ.

Khủng bố phản công Syria ngày Nga tuyên bố rút quân.
Khủng bố phản công Syria ngày Nga tuyên bố rút quân.

Mũi tên hướng nhiều đích

Ngoài ra, việc can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria đã bảo đảm cho Nga bắn một mũi tên trúng nhiều đích: Đáp trả phương Tây tiến hành cô lập Nga trên trường quốc tế do cuộc khủng hoảng Crimea; làm thất bại mục tiêu chiến lược của phương Tây ở Syria, đồng thời phơi bày một loạt sai lầm của phương Tây kể từ sau Cách mạng Mùa xuân Arập; xác lập lại vị thế nước lớn của Nga.

Sau khi Nga tiến hành can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc phải gọi điện trực tiếp cho Tổng thống Putin. Trong khi đó, Nga cũng tranh thủ việc can thiệp quân sự vào Syria để biểu dương sức mạnh quân sự của mình, một mặt thể hiện sự chính nghĩa khi lấy danh nghĩa là tấn công tổ chức khủng bố IS, mặt khác kéo dài cuộc nội chiến, tiếp tục khiến cho người tị nạn Syria chạy đến châu Âu, tạo ra áp lực chính trị bên trong các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), qua đó có thể tiến hành mặc cả trong các vấn đề Ukraine và Crimea. 

Việc rút quân của Nga xem ra cũng có những tính toán mang tính chiến thuật. Mặc dù Damascus luôn nhấn mạnh đã có điều chỉnh trước hành động rút quân của Nga, song rõ ràng hành động trên của Nga không có lợi cho chính quyền Assad.

Có phân tích chỉ ra rằng, do đang có lợi thế trên chiến trường nên ông Assad không quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình, và cũng không thực sự tôn trọng mong muốn của Moskva. Tuy nhiên, do Syria vẫn có tác dụng trong chiến lược của Nga nên khi cho rút quân, ông Putin vẫn “nương tay”.

Khi cho rút bộ phận chủ lực là các máy bay ném bom chiến đấu của không quân, Nga vẫn để lại hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất trong căn cứ không quân Syria và tiếp tục sự hiện diện quân sự ở căn cứ hải quân Tartus, cũng như duy trì các cố vấn quân sự trong quân đội Syria. Điều này có nghĩa là Nga có thể quay trở lại can thiệp quân sự ở Syria bất kỳ lúc nào.

Quyết định của ông Putin có thể khiến một số bất ngờ, nhưng trong mắt của giới phân tích, “hành động nhanh chóng” không hiếm khi xảy ra trong lịch sử quân đội Nga. Giáo sư Han nói: “Trong chiến tranh Kosovo, Nga đã bất ngờ điều động binh sĩ đến Pristina. Năm 2008, nước này cũng bất ngờ điều động binh sĩ đến Georgia. Đó là phong cách của Nga”…

Đọc thêm