Quyết sách dũng cảm ích nước, lợi dân

(PLO) - Thời gian gần đây, quyết định dừng nhiều dự án lớn cấp quốc gia được dư luận đồng tình. Tại nhiều địa phương, việc chính quyền rà soát, quyết định thu hồi những dự án không khả thi cũng khiến người dân đồng thuận hưởng ứng vì cho rằng đó là quyết sách đúng đắn, sáng suốt, ích nước, lợi dân. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Thế nhưng, thực tế vẫn còn tình trạng những dự án khổng lồ “đắp chiếu” hoặc thi công cầm chừng, liên tục xin thêm kinh phí bổ sung, làm nghèo đáng kể cho đất nước. Những dự án này cũng cần phải có quyết định dũng cảm và sáng suốt, dừng ngay trước khi quá muộn mặc dù phải chịu những thiệt hại kinh tế và khắc phục hậu quả. Bài học xương máu từ các dự án, công trình “cố đấm ăn xôi” vẫn còn sờ sờ ra đó.

Ở trong các lĩnh vực khác cũng cần đến quyết định dừng tương tự. Lớn như một chủ trương “xây dựng nông thôn mới” mà hệ lụy của nó để lại khiến nhiều người nghi ngại xem có nên “cố kiết” theo đuổi chủ trương này không. Không phủ nhận bộ mặt nông thôn nước ta đã thay đổi rất nhiều theo hướng tiến bộ do chủ trương này mang lại, song món nợ 15.000 tỷ còn kia với bao thứ ngổn ngang, xáo trộn đời sống bình thường của nông dân với những cách tiến hành bất chấp cả pháp luật, đạo lý của những quan chức địa phương chạy theo thành tích.

Hơn nữa, diện mạo nông thôn có thay đổi nhưng chủ yếu là bề mặt, còn chiều sâu chất lượng sống cả về vật chất lẫn tinh thần thì còn rất thấp. Chưa kể đến sự duy trì bản sắc văn hóa làng xã, truyền thống tình làng, nghĩa xóm không được chú ý mà ngược lại hủ tục có cơ trỗi dậy, sự lai căng văn hóa đã xuất hiện khá phổ biến ở các vùng nông thôn. Còn như một cơ quan nhà nước là Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thì vừa rồi, Thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm và bê bối, hầu như không thực hiện được các chức năng “đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước” có hiệu quả. Có nên để những chủ trương hoặc các cơ quan như thế này tiếp tục tồn tại như một sự “cố kiết” giữ bằng được?

Bộ Công Thương đang “tái cơ cấu” bộ máy, giảm thiểu các bộ phận, sáp nhập hoặc giải thể các vụ, cục phòng ban nhằm quản lý có hiệu quả hơn. Đây cũng là quyết định “dừng” cần thiết sự bành trướng của bộ máy và biên chế, “dừng” tình trạng thừa thãi các vị trí lãnh đạo do bổ nhiệm quá trớn mà vẫn “sáng tạo” ra các “hàm vụ trưởng” để “đối ngoại” và hưởng tiêu chuẩn(?!).

“Dừng” nếu thấy cần thiết cũng là một quyết sách đúng đắn, tương tự như dám nghĩ, dám làm. Mong rằng ý nghĩa tích cực này sẽ tác động và lan tỏa ở nhiều lĩnh vực, góp phần “sắp xếp lại giang sơn”, đưa đất nước tiến lên!

Đọc thêm