Quyết tâm của Chính phủ trong năm 2019: Tăng tốc và bứt phá

(PLO) - Với quyết tâm và thể hiện khát vọng phát triển đặt ra trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ xác định năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất.
Thủ tướng đã nhấn mạnh các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu cao hơn với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo
Thủ tướng đã nhấn mạnh các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu cao hơn với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo

Bởi vậy, ngay từ đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (NQ 01) và Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (NQ 02).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây không chỉ đơn giản là một bản nghị quyết về KT-XH mà là quyết tâm chính trị, thể hiện khát vọng phát triển của Chính phủ đặt ra trong chỉ đạo điều hành.

Con đường mang tên độc lập, tự cường và thịnh vượng

Nếu phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018 là “Kỷ cương- Liêm chính- Hành động- Sáng tạo- Hiệu quả” thì năm 2019, ngoài tinh thần trên, Chính phủ còn nhấn mạnh đến sự bứt phá cả trong tư duy và hành động.

Theo đó, phương châm của Chính phủ trong năm 2019 là 12 chữ: Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả - Bứt phá”, với kỳ vọng đây sẽ là năm “bứt phá” để tăng tốc phát triển, chuẩn bị “về đích”.

Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì tinh thần bứt phá trong năm 2019 có vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 và cả chiến lược 10 năm 2011-2020.

Mới đây, trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2019 là thời gian cuối nhiệm kỳ nên việc bứt phá là rất quan trọng...

Bứt phá tựu chung lại là các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương, Quốc hội giao, như tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực; về thể chế, cơ chế chính sách, xây dựng chiến lược quy hoạch; huy động nguồn lực đầu tư, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu...

“Bứt phá còn là cả sự quyết tâm của cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cả hệ thống chính trị chứ không riêng các cơ quan của Chính phủ”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ.

Với quyết tâm này, người đứng đầu Chính phủ đã không ít lần đề cập đến tinh thần phải luôn đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra động lực cho đà tăng tốc thời gian tới; đặc biệt không được phép “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước.

Thủ tướng lưu ý, mặc dù những con số về tình hình KT-XH năm 2018 là đáng khích lệ, song không có bất kỳ con số nào có thể đo lường và phản ánh đầy đủ mọi cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị trong mục tiêu đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường mang tên độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Chính vì vậy, Thủ tướng đã nhấn mạnh, các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu cao hơn với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung bứt phá về thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tư pháp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đưa Cách mạng 4.0, Chính phủ điện tử vào cuộc sống, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong hành động - một khâu quan trọng cần sự bứt phá mạnh mẽ.

Do đó, NQ 01 xác định rõ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực, một bứt phá cho tăng trưởng kinh tế sắp tới. Tại NQ 02, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III năm 2019; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.

Chỉ đạo quyết liệt ngay từ ngày đầu năm

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2019 diễn ra vào cuối tháng 12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tinh thần hội nghị không chỉ tổng kết tình hình KT-XH năm 2018 mà còn tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển; khắc phục nhanh sự chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện.

Thủ tướng cho rằng, không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách vì thể chế pháp luật đều do cán bộ, công chức làm ra, do sự hạn chế về tư duy, tầm nhìn, do cách thực hiện và quản lý. Giải quyết bất cập này, phải tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí đi liền với hoàn thiện thể chế pháp luật, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Phát hiện và sửa ngay những quy định, sơ hở, mâu thuẫn dễ tiêu cực, quan liêu, xa dân.

Cho rằng ở đâu làm quyết liệt thì ở đó đạt kết quả tốt, Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền địa phương phải làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, phải sát dân hơn, lắng nghe nhiều hơn, xử lý kịp thời hơn.

“Người dân đang nhìn vào sự lãnh đạo, quản lý của chúng ta, nhìn vào việc khắc phục các tồn tại, khuyết điểm mà Đảng, Nhà nước đã phát hiện... chứ không qua Hội nghị rồi, chúng ta không có hành động quyết liệt thì khó có thể thành công”- Thủ tướng cho biết.

Trong bài viết nhân dịp năm mới 2019, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ: các Nghị quyết của  Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật có đi vào thực tiễn hay không, một phần quan trọng phụ thuộc vào công tác tổ chức triển khai thực hiện của các cấp, các ngành.

Từng Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải khẩn trương ban hành ngay các chương trình, kế hoạch công tác năm 2019 với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, người chịu trách nhiệm, lộ trình cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Người đứng đầu Bộ ngành, địa phương phải theo sát thực tiễn, chỉ đạo điều hành quyết liệt ngay từ ngày đầu năm; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tháng, quý, năm theo quy định.. 

Đọc thêm