Quyết tâm của Đảng trong chống 'chạy chức, chạy quyền': Không thể lấy hô hào, nhắc nhở để ngăn chặn

(PLVN) - “Việc Bộ Chính trị quy định phải có sự tham gia của nhân dân, nghĩa là Đảng đã nhìn thấy vai trò to lớn của nhân dân và thấy được tầm quan trọng, hiệu quả của nhân dân trong cuộc chiến này”, ông Cuông nói.
Ông Lê Văn Cuông.
Ông Lê Văn Cuông.

Vai trò to lớn của nhân dân 

Nguyên là Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa khóa XI, XII, ông Lê Văn Cuông cho biết: “Thời còn làm ĐBQH, tôi từng chất vấn đến hai đời bộ trưởng về vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” nhưng tình hình không thuyên giảm mà ngày càng tăng và diễn biến tinh vi, thậm chí đi vào hoạt động ngầm.

Dư luận cũng lan truyền rằng, có những “chiếc ghế” bạc tỉ. Trung ương cũng đề cập nhiều về vấn đề này tại các văn bản, nghị quyết; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại các hội nghị cũng nhấn mạnh đến nhiều giải pháp và mặc dù đã có sự chuyển biến mạnh mẽ nhưng chưa ngăn chặn được một cách triệt để”.

Ông Cuông cho biết, từng phát biểu trước Quốc hội rằng “đầu tư cho “chạy chức, chạy quyền” là đầu tư siêu lợi nhuận”. Vì khi vào được một vị trí “ngon lành” thì có thể sẽ tranh thủ được rất nhiều bổng lộc, lợi ích... nên họ sẵn sàng bỏ ra lượng tiền lớn để đầu tư.

Sau khi vào được vị trí đó họ lại tìm mọi cách để thu vén lại, cho nên vấn đề này phải nhìn thẳng vào thực tế để có quy định thật cụ thể và chế tài đủ mạnh chứ không thể lấy hô hào, nhắc nhở để ngăn chặn. 

“Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định này trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII là rất kịp thời. Bởi lẽ trước khi đại hội hay bầu cử Hội đồng nhân dân, Quốc hội, người ta thường tìm cách để “chạy”, vì vậy Trung ương ra Quy định này trước khi đại hội như một biện pháp răn đe, cảnh tỉnh những ai đang có ý định “chạy”.

Không những vậy, Bộ Chính trị còn “điểm danh” những biểu hiện rất cụ thể thường diễn ra trong thực tế, tức là chạy đến ai, chạy bằng cách nào, con đường nào?”, ông Cuông nhận xét.

Theo ông Cuông, do hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị còn hạn chế nên phòng chống tiêu cực trong công tác cán bộ không chỉ bằng cơ quan chức năng mà quan trọng nữa là sức mạnh, là tai mắt nhân dân.

Ông nhận định: “Hiện chúng ta vẫn phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng. Trên thực tế, cơ quan chức năng vẫn có thể bị người ta mua chuộc, chỉ có lòng dân thì khó “mua” được. Việc Bộ Chính trị quy định phải có sự tham gia của nhân dân, nghĩa là Đảng đã nhìn thấy vai trò to lớn của nhân dân và thấy được tầm quan trọng, hiệu quả của nhân dân trong cuộc chiến này”.

Cần phát huy vai trò báo chí

Để phát huy vai trò của nhân dân, theo ông Cuông, phải tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi cho việc phản ánh cũng như tiếp thu, ghi nhận ý kiến. Có thể bằng hình thức công khai trong các buổi làm việc, hội nghị, hội thảo, các lần tiếp xúc cử tri hoặc qua hòm thư góp ý nơi công cộng, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan... để người dân cung cấp thông tin. 

Đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”, ông Cuông dẫn chứng nhiều vụ việc tiêu cực được cơ quan chức năng xử lý là do người dân cung cấp thông tin. 

“Vì báo chí được người dân tin tưởng và ủng hộ, nên nếu báo chí vào cuộc để thực hiện tâm tư, nguyện vọng của người dân, đem lại niềm tin cho dân thì họ sẽ gặp cơ quan báo chí. Thậm chí, người dân nhiều khi không tin cán bộ lãnh đạo nhưng lại tin nhà báo, sẽ gặp và cung cấp những thông tin có giá trị để báo chí phản ánh, có cơ sở để điều tra.

Vì vậy, một trong những vấn đề cần quan tâm là nghiên cứu mối quan hệ giữa nhân dân với báo chí. Phải quy định như thế nào cho cụ thể để báo chí có điều kiện đi sâu tìm hiểu, đưa tin..., như thế sức lan tỏa sẽ lớn hơn, hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ sẽ cao hơn”, ông Cuông nói.

Ông Cuông cũng cho rằng, vì tình trạng “chạy chức, chạy quyền” tồn tại từ rất lâu, gắn với quyền lực, quyền lợi..., nên kết quả thực hiện Quy định này đến đâu còn phụ thuộc vào khâu tổ chức thực hiện, cụ thể là đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ, nhất là người đứng đầu. Đây là bộ phận then chốt, thành bại hay không là đối tượng này quyết định. 

Do đó, một trong những biện pháp để quy định của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống là cần phải có thiết chế quản lý các đối tượng này, phải theo dõi, giám sát thường xuyên. Nếu quản lý tốt, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm thì sẽ thành công, còn cứ nói chung chung là đề cao trách nhiệm người đứng đầu mà không có thiết chế để theo dõi, giám sát chặt chẽ thì rất khó đạt kết quả như mong muốn. 

Đọc thêm