Rà phá bom mìn, hồi sinh những vùng đất 'chết' ở Hà Nam

(PLO) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng ẩn sâu trong lòng đất vẫn còn đó những “tử thần” đang rình rập, đe dọa cuộc sống của con người. Cũng bởi lẽ đó, lực lượng Công binh phải luôn thầm lặng rà, phá bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Bằng ý chí, nghị lực và tinh thần quả cảm, cán bộ, chiến sĩ Công binh Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) Hà Nam đã làm hồi sinh những vùng đất “chết”, góp phần cho cuộc sống được bình yên. 
Lực lượng Công binh Bộ CHQS tỉnh Hà Nam di chuyển bom đến vị trí hủy nổ.
Lực lượng Công binh Bộ CHQS tỉnh Hà Nam di chuyển bom đến vị trí hủy nổ.

“Tất cả vào vị trí, điểm hỏa” - Khi khẩu lệnh quen thuộc của Trung tá Đặng Hồng Phong - Trưởng ban Công binh Bộ CHQS tỉnh Hà Nam vừa dứt, một tiếng nổ long trời, lở đất vang lên. Quả bom đã được hủy nổ thành công, đảm bảo an toàn. Mỗi một quả bom được hủy nổ thành công, đánh dấu một chiến công mới của lực lượng Công binh Bộ CHQS tỉnh Hà Nam trong thời bình.

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Kiều Văn Cường - nhân viên Ban Công binh - người trực tiếp tham gia di chuyển, hủy nổ quả bom nặng 500 bảng (tương đương 250kg) còn tồn sót trong kháng chiến chống Pháp mới đây cho biết: “Quả bom này đã nằm dưới đất hơn nửa thế kỷ. Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư vật liệu xây dựng Hồng Hà đã phát hiện quả bom trong lúc mở đường tại thôn Tân Lập, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm. Sau khi nhận được mệnh lệnh, lực lượng Công binh Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Ban CHQS huyện Thanh Liêm tổ chức khoanh vùng, canh gác hiện trường, đào bới, di chuyển và hủy nổ bom theo kế hoạch được phê duyệt”.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Thăng - nhân viên Ban Công binh, là người có thâm niên hàng chục năm đối mặt với “tử thần” tâm sự: “Nghề gỡ bom mìn, vật liệu nổ rất vất vả và nguy hiểm. Trong thi công, khi máy dò phát tín hiệu, không biết đó là bom mìn, hoặc đạn hay pháo, nằm ngang hay dọc... Và bom, mìn, vật liệu nổ còn tồn sót trong chiến tranh cũng rất nhiều chủng loại, qua nhiều năm nên bị vùi sâu trong lòng đất, luôn ở trạng thái mở (chờ nổ), khi dò tìm, lấy lên, di chuyển về nơi tập kết để hủy nổ rất khó khăn và nguy hiểm. Do đó, đòi hỏi mỗi người người lính công binh phải cẩn thận, tỉ mỉ, bình tĩnh và dũng cảm mới hoàn thành được nhiệm vụ”.

Một kỷ niệm đáng nhớ đối với Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Thăng là cách đây khoảng hơn ba năm, trong lần tham gia di chuyển một quả bom nặng hơn 400kg. Vì bom nằm sâu dưới ao lớn của hợp tác xã nên các anh phải vận động và hỗ trợ các hộ dân nuôi cá ở đó tát ao. Đêm đến, lực lượng công binh thay nhau canh gác quanh ao, cũng là để bảo đảm an toàn hiện trường khu vực bom chuẩn bị di chuyển. Đến ca gác của mình, anh Thăng đi tuần tra sát mép ao và bị một người dân nghi ngờ bắt cá trộm nên hô hoán, chút nữa anh bị tai vạ vì cái tội “trộm cá”.

Chia sẻ về nhiệm vụ của lực lượng công binh đơn vị, Trung tá Đặng Hồng Phong cho biết: “Hà Nam là một tỉnh cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng (cả đường bộ, đường sắt và đường thủy). Trong hai cuộc kháng chiến, Hà Nam trở thành trọng điểm đánh phá của địch. Vì vậy, lượng bom, mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh còn rất lớn.

Từ năm 2010 đến nay, lực lượng công binh đã rà, phá được hàng trăm ha đất bàn giao cho các dự án phát triển kinh tế của địa phương, tổ chức di chuyển, hủy bỏ an toàn hơn 40 quả bom, mìn các loại còn sót trong chiến tranh; tham gia nổ phá hàng chục cầu, cống cũ, hàng nghìn mét khối đá phục vụ thi công các công trình trên địa bàn. Ngoài ra, lực lượng công binh còn tích cực tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, tham gia diễn tập, xây dựng các công trình phòng thủ...”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, do tính chất nguy hiểm của việc dò, gỡ bom, mìn, vật liệu nổ nên cũng có cán bộ, chiến sĩ lúc đầu nhận nhiệm vụ còn băn khoăn, trăn trở. Song đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm để bộ đội thấy được vinh dự, trách nhiệm. Quán triệt phương châm “an toàn là trên hết”, đơn vị tập trung huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo trang bị, khí tài.

Đồng thời, coi trọng việc truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn của người đi trước cho thế hệ đi sau, giúp bộ đội có tâm lý tốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bình tĩnh, tự tin, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và xử lý tốt các tình huống xảy ra. Do vậy, nhiều năm liền lực lượng Công binh Bộ CHQS tỉnh Hà Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình dò, gỡ, xử lý bom, mìn, vật liệu nổ. 

Đọc thêm