'Rác' trong tư duy

(PLO) - Chuyện mấy “ông Tây” dọn rác ở mương nước hôi thối tại một phường của Hà Nội là đề tài được bàn luận sôi nổi những ngày qua. Trước sự việc này, lãnh đạo phường sở tại tỏ ý rằng, hành động này là đáng hoan nghênh nhưng nên xin phép (hoặc báo cho) chính quyền địa phương. Rất may sau đó đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến thăm, khích lệ “ông Tây” dọn rác.
'Rác' trong tư duy

Tuy vậy, từ sự việc này, điều nhiều người quan tâm vẫn là ở đây liệu có tồn tại tư duy “xin – cho” và tư duy quản lý nghiêng nặng về cấm đoán và sợ hãi? Có người thậm chí còn liên hệ lại sự việc thùng trà đá từ thiện năm ngoái bị thu do “lấn chiếm lòng lề đường”.  

Đến nay quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Việt Nam về cơ bản là theo hướng chuyển từ “chỉ làm những điều mà pháp luật cho phép” sang “được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.” Rõ ràng cùng với đó, tư duy, cách xử lý công việc của các cơ quan công quyền cũng cần thay đổi tương ứng. Xét trên nguyên tắc, pháp luật không những không cấm dọn rác mà còn ủng hộ, khuyến khích như là một hành vi bảo vệ môi trường. Đã không cấm, thì bất kỳ ai có hành vi bảo vệ, làm trong sạch môi trường sống… đều cần được khuyến khích và ủng hộ.  

Những người nước ngoài được sinh sống và làm việc ở Việt Nam là đã phải thực hiện đúng quy định pháp luật sở tại. Và trong tư duy thông thường, có lẽ họ sẽ hiểu chỗ nào có biển cấm là chỗ đáng quan tâm để tránh, mà biển cấm ở Việt Nam cũng tương đối tốt, thường đi kèm cả tiếng Anh. Con mương “bị” họ dọn rác không thuộc diện này, nên họ khó hình dung làm việc tốt, pháp luật không cấm vẫn sẽ phải xin phép?  

Còn với người Việt Nam thì sao? Những người đã bắt đầu làm quen với suy nghĩ “được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm” cõ lẽ cũng thấy băn khoăn như những mấy “ông Tây” kia. Còn với những người vẫn quen “chỉ làm những gì mà pháp luật cho phép” thì quá đơn giản: chẳng tội gì mà xin phép để được… tự dọn rác, đến hai lần mệt mỏi.  

Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Song song với việc phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin – cho, Chính phủ sẽ tập trung lo xây dựng thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư, phát triển.

Do vậy, câu chuyện dọc rác của “ông Tây” không còn là vấn đề “dọn rác” khơi thông cống rãnh, bảo đảm vệ sinh môi trường sống mà còn cho thấy nhiều “rác” trong tư duy, cần phải mạnh dạn dẹp bỏ!

Đọc thêm