Robot - chiến binh "không còn hoang đường" của chiến tranh tương lai

(PLO) - Kỷ nguyên của những chiến binh robot, vũ khí tự khai hỏa và những máy bay không người lái (UAV) đã và đang đến gần. Một số phân tích nhận định, dự đoán đến năm 2025, chiến binh robot sẽ chiếm 30% tổng quân số lực lượng vũ trang liên bang Nga. Đến năm 2040, trong biên chế Quân đội Mỹ  sẽ có thể chiếm tới hơn 1 nửa số binh sỹ là robot.  
Một kỹ sư tại đại học Johns Hopkins đang kích hoạt cánh tay robot tại Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc, Mỹ.
Một kỹ sư tại đại học Johns Hopkins đang kích hoạt cánh tay robot tại Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc, Mỹ.
Không còn là chuyện phim ảnh
Trên thực tế, các robot hiện nay của quân đội Mỹ tuy không siêu việt như robot trong phim Hollywod miêu tả, song đã từng bước được đưa vào sử dụng rộng rãi trong môi trường tác chiến thực tế, có tác động mạnh mẽ đến cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật quân sự. 
Ngay trong thế kỷ này, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ đưa “thú  máy” bốn chân Spot vào sử dụng. 
Loại robot này có khả năng hoạt động trên mọi địa hình phức tạp, thực hiện trinh sát trong các khối kiến trúc, giúp tìm kiếm và cứu hộ, lập bản đồ và xâm nhập vào những vùng thảm họa.
Một số thử nghiệm gần đây của Spot đã thu được những kết quả rất khả quan, hoạt động êm hơn và hiệu quả hơn. 
Không bị bệnh tật, thương vong, không biết đau đớn, sợ hãi, hy sinh; tuân thủ kỷ luật tuyệt đối... là những ưu điểm tuyệt vời mà các chiến binh robot có được. 
Robot sử dụng trong lĩnh vực quân sự đã ứng dụng mạnh mẽ các bước tiến đột phá của công nghệ trí tuệ nhân tạo, trong mọi điều kiện tuy không có con người song robot vẫn có thể thực hiện các nhiệm vụ đặc thù như trinh sát; rà phá bom mìn; tác chiến; cứu hộ thảm họa thiên tai...
Mỹ đang dẫn đầu
Là một cường quốc quân sự hàng đầu trên thế giới, Mỹ đã sớm bắt tay triển khai nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ robot trong quân sự.
Năm 1966, một máy bay ném bom chiến lược mang bom khinh khí (hydrogen) của Mỹ rơi xuống khu vực Địa Trung Hải. Robot "Coward" đã lặn xuống đáy biển sâu 750 mét, trục vớt thành công bom khinh khí, cho thấy giá trị của sử dụng robot trong lĩnh vực quân sự.
Tiếp sau, quân đội Mỹ còn sản xuất một loạt các robot khác ứng dụng trong hàng không vũ trụ, hoạt động trong môi trường nguy hiểm. 
Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ cũng đã nghiên cứu, phát triển robot thực hiện các nhiệm vụ, như: canh gác ban đêm; bố trí bãi mìn; rà phá bom mìn... 
Cuộc đua sôi nổi
Bắt đầu từ những năm 80, 90 của thế kỷ này, các nước trên thế giới đã đầu tư mạnh cho phát triển các loại vũ khí thông minh, trong đó có robot quân sự. 
Hiện nay có người còn cho rằng, dựa vào việc sử dụng trên quy mô lớn robot quân sự, nhân loại sẽ bước vào thời đại chiến tranh “không người hóa”.  
Từng là một cường quốc quân sự, Nga cũng không hề chịu lép vế trước các quốc gia khác trong ứng dụng robot quân sự. 
Năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga đã xây dựng, thông qua bản kế hoạch nghiên cứu, phát triển hệ thống robot và ứng dụng vào lĩnh vực quân sự; trong đó xác định, giai đoạn 2017 - 2018 sẽ bắt đầu biên chế số lượng lớn robot trong lực lượng vũ trang của mình.
Một buổi thử nghiệm robot phá bom của Lực lượng An ninh và Bộ các tình huống khẩn cấp tại Nizhny Novgorod, Nga.
 Một buổi thử nghiệm robot phá bom của Lực lượng An ninh và Bộ các tình huống khẩn cấp tại Nizhny Novgorod, Nga.
Theo thống kê, hiện nay, quân đội của hơn 60 quốc gia trên thế giới được trang bị robot quân sự với hàng trăm chủng loại khác nhau. Dựa trên phân tích của các chuyên gia, dự đoán đến năm 2025, chiến binh robot sẽ chiếm 30% tổng quân số lực lượng vũ trang LB Nga. 
Đến năm 2040, trong biên chế quân đội Mỹ sẽ có tới hơn 1 nửa số binh sỹ là robot. 
Phương thức tác chiến sẽ có nhiều thay đổi
Robot quân sự sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến chiến tranh tương lai? Các chuyên gia nghiên cứu quân sự cho rằng, không giống với việc nâng cao hiệu suất sản xuất, các robot khi được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự sẽ nâng cao hiệu quả tác chiến.  
Trước mắt, việc sử dụng robot trong quân đội Mỹ đã đem đến năng lực tác chiến nhất định. Thống kê cho thấy, tính đến năm 2007, quân đội Mỹ đã đưa ít nhất 10 robot thông minh hoạt động tại chiến trường Iraq và Afghanistan. 
Kể từ năm 2003, quân đội Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu cải tiến robot chiến đấu Talon trên cơ sở nguyên bản của robot này với chức năng thực hiện nhiệm vụ trinh sát và rải mìn.
Sau khi cải tiến, Talon có thể mang súng trường tự động M240 hay M249. Ngoài ra, nó còn được lắp đặt máy ảnh và ống nhòm nhìn đêm. 
Talon đủ khả năng thực hiện 24 giờ chiến đấu liên tục, hiệu quả tác chiến cao hơn nhiều so với binh sỹ thông thường.
Việc sử dụng số lượng lớn robot quân sự sẽ nâng cao khả năng sinh tồn của binh sỹ trên chiến trường. Trong một số cuộc chiến tranh cục bộ gần đây, các robot quân sự như thiết bị trinh sát không người lái, vũ khí siêu nhỏ tự động, xe xử lý bom mìn... đã được đưa vào sử dụng rộng rãi giúp giảm bớt tỷ lệ binh sỹ thương vong.
Ngoài ra, các robot này còn được triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như tác chiến trong môi trường đô thị và chống khủng bố. 
Để giảm bớt mức độ nguy hiểm cho binh sỹ, trong chiến tranh Iraq, quân đội Mỹ đã điều robot Sword chủ yếu sử dụng trong tác chiến đô thị. Bên cạnh đó, Mỹ còn nghiên cứu, phát triển robot cầm tay PackBot có tính năng trinh sát, tìm kiếm các khu vực hang động, bên trong khối kiến trúc hay đường thoát nước. 
Nhằm tăng cường khả năng tác chiến linh hoạt cho binh sỹ, thích ứng yêu cầu hình thái mới trong chiến tranh tương lai, xét từ góc độ thực hiện chiến đấu, các robot quân sự về cơ bản đã bao quát 4 môi trường tác chiến lớn ngoại trừ không gian điện từ.
Mỹ hiện nay đã nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ robot quân sự thực hiện nhiệm vụ trong môi trường trên biển, trên đất liền và trên không, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh “không người hóa”. 
Chiến binh robot chiếm ưu thế hơn hẳn trên các mặt đột kích, tiến công chính xác, tác chiến trong thành phố so với binh sỹ thông thường. 
Trong “Công nghệ chiến lược thế kỷ 21” của Mỹ có đoạn viết: “Vũ khí trung tâm của tác chiến mặt đất trong thế kỷ 20 là xe tăng, trong thế kỷ 21 rất có thể là robot quân sự” cho thấy, trong tương lai gần, tác chiến “không người hóa” sẽ xuất hiện trong không gian 3 chiều, cuối cùng sẽ tạo ra cuộc cách mạng làm thay đổi căn bản phương thức tác chiến hiện nay. 
Vấn đề mới về lý luận tác chiến
Qua già nửa thế kỷ phát triển, con người đã có được thành tựu đột phá cả về mặt lý luận và kinh nghiệm thực chiến với công nghệ robot quân sự. Tuy nhiên, khi đưa vào thực tế tác chiến, robot quân sự vẫn vấp phải những thách thức không nhỏ vè công nghệ và lý luận. 
Màn trình diễn của mẫu robot di chuyển tự động teleMAX của công ty Telerob, Đức.
 
 Màn trình diễn của mẫu robot di chuyển tự động teleMAX của công ty Telerob, Đức.
Về tổng quan, robot quân sự hiện đang có trong kho vũ khí của các nước, trình độ thông minh hóa vẫn còn khá thấp, hoàn toàn không thể thực hiện năng lực tác chiến “tự chủ”, bắt buộc có sự điều khiển của binh sỹ ở tuyến sau trong thời gian tác chiến thực. 
Khả năng tác chiến của robot tương lai vẫn là lấy tác chiến thông tin hóa làm trung tâm, không thể thoát ly, tác chiến độc lập hoàn toàn khỏi sự điều khiển của con người. 
Vậy con đường phát triển của robot quân sự sẽ đi theo hướng nào? Trước hết, đó là sự phát triển không ngừng của trí tuệ công nghệ thông minh. 
Tương lai, robot sẽ có trí tuệ nhân tạo ở mức cao hơn nhiều so với hiện tại, sự “kết nối” giữa con người và robot cũng hoàn thiện dễ dàng hơn trong hiệp đồng tác chiến, năng lực thực hiện đa dạng hóa tác chiến cũng không ngừng được nâng cao. 
Robot quân sự không chỉ thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ trận địa, tiến công mục tiêu, trinh sát tiền duyên trên đất liền, đại dương theo truyền thống mà sẽ còn tiến vào các khu vực từ tác chiến không gian cho đến tác chiến vũ trụ và tác chiến mạng. 
Cuối cùng, sự phát triển của robot sẽ còn theo hướng “phân hóa lưỡng cấp”, một mặt yêu cầu kích cỡ thật nhỏ, nhằm thích hợp cho các hoạt động tác chiến độc lập, mặt khác kích cỡ thật lớn nhằm nâng cao khả năng tải trọng đáp ứng yêu cầu chiến thuật đa dạng.
Một cuộc hội thảo ở bang Maryland hồi tháng 3/2015 do quân đội Mỹ tài trợ đã đi đến kết luận rằng: con người sẽ là thiểu số trên chiến trường thời hiện đại, trong khi thế hệ siêu nhân mới và robot quân sự sẽ là 2 đặc điểm chủ yếu của các trận chiến trên đất liền vào năm 2050. 
Robot của chiến trường năm 2050 sẽ hoạt động theo đội ngũ giống như binh sỹ ngày nay. Những robot biết tự tổ chức hoặc hợp tác sẽ hành động với những cấp độ tự do khác nhau dưới những nguyên tắc ràng buộc nhất định.
Các chuyên gia quân sự tin rằng, đến năm 2050, một đơn vị bộ binh tác chiến sẽ gồm cả binh sỹ con người và robot chiến đấu bên cạnh nhau. 
Có thể nói, chiến binh robot sẽ không còn là điều hoang đường trong chiến tranh tương lai…/.

Đọc thêm