Rộn ràng tết 3 miền

(PLO) - Sự khác nhau về khí hậu, thời tiết, phong tục tập quán và cả thói quen khiến Tết ở ba miền cũng mang những hương vị khác nhau, tô thắm thêm cho vẻ đẹp mùa Xuân đang hiện hữu.
Ở miền Bắc, Tết không thể thiếu nồi bánh chưng
Ở miền Bắc, Tết không thể thiếu nồi bánh chưng

Sau lễ tiễn ông Táo về trời, cái Tết đã hiện hữu trong từng nhà. Người người ai nấy đều chỉnh trang nhà cửa, sắm sửa đồ lễ, chuẩn bị mổ lợn, gói bánh chưng…Không khí Tết ở miền Bắc dường như về sớm hơn bởi cái tiết trời Đông rất đặc trưng, rét ngọt và bắt đầu có mưa phùn, đây là những dấu hiệu bắt đầu mùa Xuân mới khi những gốc cây khẳng khiu, trụi lá vươn mình dậy đâm chồi nảy lộc. Người Bắc kỳ có thói quen chơi hoa đào vào mỗi dịp tết cả ngàn đời nay. Nhà khá giả hay nhà ít có điều kiện thì khi tết đến cũng đều có trong nhà một cành hoa đào trên ban thờ. Chỉ cần vài mẹo nhỏ, cành hoa đào có thể tươi và nở hoa đến hết cả tháng Giêng.

Ở Hà Nội, làng đào Nhật Tân những ngày này nườm nượp khách, người đến mua hoa, kẻ đến ngắm cảnh, chụp hình. Người cẩn thận mang đào đi biếu, đi Tết hoặc dân sành chơi đã mang cả tiền triệu đi đặt những gốc đào từ cả tháng trước đó. Tháng Chạp, đào rừng cũng đua nhau về Hà Nội với những cành to, dài, lá xanh mơn mởn với các màu thắm đỏ, hồng phớt rất đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Nếu người miền Bắc hoa đào là biểu tượng của mùa Xuân thì người Nam thấy hoa mai là thấy Tết. Do thời tiết miền Nam chỉ có mùa mưa và mùa khô, khi hậu nóng quanh năm nên thích hợp cho loài hoa phương Nam này khoe sắc. Hoa mai với gam màu vàng chủ đạo tạo nên sắc màu rực rỡ trong mỗi ngôi nhà, góc phố. Ngoài những cành mai cắt từ những cây mai trong vườn, bó lại bằng lá dừa thì loài mai còn được chăm bẵm, trồng thành những gốc mai lớn, mà không phải ai muốn cũng mua được. Cũng như miền Nam, người miền Trung chơi hoa mai trong dịp Tết, ngoài ra họ còn có những phiên chợ hoa tết rất đặc biệt gồm tất cả các loại hoa từ Bắc chí Nam

Món bánh Tét được người Nam ưa chuộng trong dịp tết
Món bánh Tét được người Nam ưa chuộng trong dịp tết

Cùng với cành đào mang không khí xuân đến mọi nhà thì mâm ngũ quả của người miền Bắc cũng rất đặc trưng. Thường trên mâm ngũ quả có 5 loại trái cây chính là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt với các màu sắc chủ đạo: xanh đỏ, vàng. Mỗi loại quả tượng trưng cho sự giao hòa của trời đất và mong muốn an lành của con người. Cách bài trí trên mâm ngũ quả của người Bắc cũng khá đặc biệt, nải chuối được đặt ở dưới cùng đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác. Bên trên nải chuối thường là quả bưởi vàng, có nhà bày thêm quả phật thủ, cam, xoài, lêkima…hoặc những trái cây có màu sẵn trong vườn nhà. Mâm ngũ quả làm cho không khí ngày Tết trở nên ấm cúng, rực rỡ hơn.

Thế nhưng người miền Trung và miền Nam lại không hay dùng các loại chuối, trái cây có vị đắng, cay, mà chỉ chọn loại có vị ngọt, tròn, thơm và lâu hỏng để chưng mâm ngũ quả cho đẹp mắt, độc đáo, mong cầu an vui, hạnh phúc cho gia đình trong năm mới.. Người miền Nam thường bày ngũ quả là xoài, đu đủ, sung, mãng cầu, những loại cây trái mà tên của loài quả đã thể hiện sự sung túc, đủ đầy.

Chợ hoa Tết miền Trung
Chợ hoa Tết miền Trung

Người Bắc ưa chuộng hình thức nên mâm cỗ cúng tổ tiên cũng rất cầu kỳ. Bên cạnh bánh chưng xanh, giò lụa, gà trống thì những món không thể thiếu trong mâm cỗ là nem rán, canh măng, thịt đông, hành muối, các món xào và luộc tùy theo quan niệm của mỗi gia đình. Mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc không chỉ là đáp ứng về khẩu vị, thẩm mỹ, thể hiện nét văn hóa đặc trưng mà còn có ý nghĩa đoàn viên, sum vầy. Trước ngày Tất niên, vào 23 tháng Chạp tiễn ông Táo về trời, ngoài lễ vật người Bắc còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được "phóng sinh" sau khi cúng.  Đối  với người miền Trung, mâm cỗ cũng được họ chế biến rất khéo và cầu kỳ.  Nếu như người Nam dùng bánh tét trong dịp Tết thì người miền Trung ăn cả bánh chưng và bánh tét. Còn mâm cơm để cúng ông bà trong 3 ngày Tết là mâm cỗ có nhiều món ăn được chế biến gồm đủ các thành phần tù các loại gia cầm biết bay như chim, gà, vịt đến hải sản tôm, cua, cá…  Món, giò lụa Huế, gà bóp rau răm, hay đĩa ram cũng rất được ưu chuộng. 

Còn với người Nam, ngày 23 tháng Chạp, họ kiêng cúng cá chép do quan niệm, những con vật như cá chép rất linh thiêng, chỉ nên dành cho vua chúa nên không được phép động đến. Trên mâm cỗ ngày Tết, người thường chế biến các món ăn có đủ vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng…để tỏ lòng thành kính tổ tiên

Ngoài sự khác biệt về thú ăn thú chơi trong ngày Tết, nét văn hóa của người Bắc cũng rất khác người Nam và người miền Trung. Người Bắc có tục lệ lì xì trong những ngày đầu năm, bất cứ ai không kể là trẻ nhỏ, người già đều được nhận mừng tuổi, coi đó như là một món quà để năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc. Người Bắc coi cái tết là dịp sum vầy thì người Nam coi đây là thời gian để nghỉ ngơi nên thường tổ chức đi du lịch hoặc đi chơi. Người Nam cũng không có tục lì xì mà thường chúc nhau chén rượu cay trong năm mới. Trong 3 ngày Tết, Người miền Bắc có khá nhiều tục kiêng như : Kiêng đổ rác, kiêng quét nhà, kiêng cho lửa, kiêng cho nước, tránh nói giông hay chọn người "xông nhà" phải hợp tuổi… còn người miền Trung thì không quan niệm phải hợp tuổi mà họ thường chọn những đứa trẻ khỏe mạnh, học giỏi là người bước chân đầu tiên vào nhà dịp năm mới.

Mỗi vùng miền là mỗi phong tục đón xuân, xong điểm chung cả ba miền là người ta thường dành những gì tốt đẹp nhất cho một năm mới. Tết là dịp để mọi người lại gần nhau hơn, cùng ấp ủ những dự định và cầu cho một năm mới an lành, thịnh vượng.

Đọc thêm