Rừng bị tàn phá minh chứng cho tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh'

(PLO) - “Tình trạng phá rừng là một minh chứng cho tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng thì vẫn không được đóng, những vụ phá rừng lớn nhất vừa qua ở một số địa phương nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ", ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhận định tại phiên thảo luận của QH về tình hình kinh tế, xã hội, hôm nay, 1/11.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho biết thêm: "Khi tiếp xúc với một chủ doanh nghiệp trồng rừng, nghe anh này nói mới biết để trồng rừng và giữ được rừng khó khăn đến nhường nào và nếu như không yêu rừng thì không thể làm được. Với kinh nghiệm thực tế của chủ doanh nghiệp đó thì nếu như không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy". 

ĐB của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phản ánh, để có một cây đường kính 1m cần nuôi trồng 70 - 100 năm, nhưng lâm tặc chỉ 16 phút là "phá" xong. Một trạm kiểm lâm mỗi đêm có khoảng 80 - 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ... "Xin thưa nếu cứ cảnh phá rừng tan hoang và lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo mà không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết liệu cho đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng mới trở thành hiện thực", ĐB nói.

ĐB Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) cũng lên tiếng kêu gọi Chính phủ kiên quyết hơn trong việc bảo vệ rừng. Ông nêu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng: “Đây là vấn đề đã được cảnh báo trong nhiều năm qua nhưng diễn biến trên thực tế đang ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến thành quả phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước. Riêng đợt mưa lũ vừa qua đã làm gần 100 người chết và mất tích. Cùng với đó thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng 8.500 tỷ đồng”.

Đại biểu Đỗ Trọng Hưng - Thanh Hóa
Đại biểu Đỗ Trọng Hưng - Thanh Hóa

Đồng thời, ĐB khẳng định, một trong những nguyên nhân là do để mất rừng tự nhiên. 

“Việc lợi dụng chính sách chuyển đổi rừng nghèo sang trồng các cây trồng khác, việc cấp phép triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án thủy điện, khai thác tài nguyên đá, cát, sỏi trái phép một cách thiếu kiểm soát. Đây là hồi chuông cảnh báo khẩn thiết Quốc hội, Chính phủ cần phải quan tâm bởi hệ lụy của nó là khôn lường. Tôi đề nghị Chính phủ sớm tổ chức hội nghị bàn giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm khắc phục tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước mắt đề nghị bố trí nguồn vốn đầu tư năm 2018, hỗ trợ cao hơn cho các tỉnh khó khăn bị thiệt hại nặng nề về thiên tai, các tỉnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long”, ĐB Đỗ Trọng Hưng đề xuất.

Từ thực tế về công tác trồng và quản lý bảo vệ rừng của tỉnh Tuyên Quang, ĐB Ma Thị Thúy nhận định, rừng có đóng góp rất lớn thiết thực về phòng, chống thiên tai, vì rừng là lớp che phủ rất quan trọng có tác dụng giữ điều hòa nước, chống trơn, trượt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khi mất đi lớp thảm thực vật che phủ này thì dù có thay thế bằng lớp thảm khác gồm những cây công nghiệp, cây ăn quả được trồng sau đó hiệu quả giữ nước này cũng sẽ không đảm bảo, đặc biệt với địa hình đồi núi dốc như ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Mưa lũ xảy ra nước sẽ trôi tuột xuống hạ lưu do không còn lớp thảm nứu giữ. Song song với đó phải có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng. Khẳng định, để phòng, chống thiên tai hiệu quả thì cần làm tốt công tác quản lý và bảo vệ phát triển rừng, bà Thúy nói: “Cử tri rất ủng hộ chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ”.

ĐB Sùng A Hồng (Điện Biên) đồng quan điểm. ĐB kiến nghị Chính phủ tiếp tục dành nhiều sự quan tâm hơn nữa về nguồn lực khuyến khích hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia khoanh nuôi bảo vệ tái sinh rừng tự nhiên, thay vì đầu tư nhiều kinh phí để trồng rừng mà hiệu quả không cao. Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định hiện nay về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, vì hiện nay sự chênh lệch mức chi trả là quá lớn. Có những lưu vực được chi trả 600 - 700 nghìn đồng/1ha/năm. Có lưu vực chỉ được chi trả 6 -7 nghìn đồng/1ha/năm, như lưu vực sông Mã. "Cần coi việc chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả. Là chính sách xóa đói giảm nghèo để cân đối, bố trí ngân sách nhà nước chi trả thêm cho những lưu vực có diện tích rừng lớn nhưng được trả dịch vụ môi trường rừng quá thấp để bảo vệ rừng ở các khu vực này", ông Hồng đề xuất. 

ĐB Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) (Gia Lai) phản ánh, kể từ khi có Thông báo 191 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 -2020 thì rừng Tây Nguyên bị mất tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016. “Đây là nghịch lý hay là thông điệp thách thức?”, ĐB đặt câu hỏi.

Đọc thêm