Rút Dự án Luật Hành chính công khỏi Chương trình xây dựng luật

(PLO) - Sáng nay (11/9), tại phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đề nghị Quốc hội rút dự án Luật Hành chính công khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh trình bày tờ trình Dự án Luật Hành chính Công
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh trình bày tờ trình Dự án Luật Hành chính Công

Dự án Luật Hành chính công do đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh trình. Dự án được chuẩn bị công phu trong 2 năm qua. Ban soạn thảo đã tổ chức 14 cuộc hội thảo khoa học để lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật về dự thảo Luật Hành chính công và các vấn đề có liên quan.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng Ban soạn thảo khẳng định việc xây dựng Luật Hành chính công với mục đích trình Quốc hội xem xét thông qua một văn bản pháp lý có giá trị cao ở tầm luật.

Dự thảo Luật gồm 5 chương với 45 điều. Dự thảo Luật quy định thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công. Các vấn đề khác của hành chính công được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá Ban soạn thảo dự án Luật đã hoạt động rất tích cực, nỗ lực. Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật cũng đã được thu hẹp từ 6 nội dung xuống còn 3 nội dung (bao gồm: thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, từ phạm vi rất rộng, hiện phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đã được thu hẹp lại, vì vậy cũng cần nghiên cứu tên gọi của luật xem có phù hợp không. Dự án luật này cần có sự chuẩn bị, đầu tư nhiều hơn nữa vì tính cụ thể, tính khả thi của như dự luật hiện nay chưa đạt yêu cầu.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo cần đặc biệt quan tâm đến tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung để bảo đám tính khả thi, không chồng chéo của Luật, tránh sự phá vỡ những quy định khác trong hệ thống pháp luật nói chung như một số ý kiến phát biểu đang băn khoăn, lo ngại.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao nỗ lực của cá nhân đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng như ban soạn thảo, trong thời gian 2 năm làm được rất nhiều việc. Tuy vậy, nhiều nội dung còn thiếu sự đồng bộ, còn chồng chéo với nhiều luật khác.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bà rất ủng hộ sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc Khánh. Tuy nhiên, khái niệm hành chính công là vấn đề rất rộng, phức tạp, nội dung cụ thể đang được điều chỉnh trong nhiều đạo luật hiện hành. Trong khi đó, tính quy phạm và tính cụ thể của dự thảo chưa đạt yêu cầu, còn chung chung. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị coi đây là công trình nghiên cứu để tham khảo, làm cơ sở khi xây dựng các quy định liên quan hành chính công ở các luật.

Kết luận phiên họp trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận dừng dự án Luật Hành chính công. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây là bộ hồ sơ tài liệu rất giá trị, có thể sử dụng để nghiên cứu trong cải cách nền hành chính, xây dựng đạo luật chuyên ngành.

Đọc thêm