Sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo: Không thể 'xuê xoa' mãi

(PLO) - Đó là ý kiến được đưa ra tại phiên họp mở rộng của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội diễn ra hôm qua (5/9). Cuộc họp cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại UBND xã
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại UBND xã

Khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến theo chiều hướng gia tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền so với năm 2017.  Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (63,2%), trong đó tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tranh chấp đất đai, khiếu nại về chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức. Về tố cáo, so với năm 2017 tăng 33,6% số đơn và tăng 14,7% số vụ việc. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước…

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng, trong đó một số đoàn đông người và công dân khiếu nại dài ngày mang theo băng rôn, khẩu hiệu đến trụ sở các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có thái độ quá khích, hành vi manh động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Đáng chú ý, một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, năm 2018, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 25.043/31.954 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 78,4%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 211,9 tỷ đồng, 97 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.801 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 461 người, chuyển cơ quan điều tra 9 vụ.

Từ các cuộc giám sát tại các địa phương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng, việc thanh tra về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành được tổ chức thường xuyên nhưng việc xử lý cán bộ sai phạm hầu hết chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Dẫn chứng một vài địa phương, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, công tác thanh tra chỉ nhằm tăng cường trách nhiệm, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ mà không xử lý kỷ luật. Đại biểu đề nghị Thanh tra Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ chứ không thể “xuê xoa” như hiện nay. Bên cạnh đó, cần làm rõ chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp cơ sở, cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, giải quyết lần đầu, giải quyết lần thứ 2 có hủy, sửa nhiều hay y án… để đánh giá đội ngũ cán bộ thiếu, yếu chỗ nào, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục.

29 người đứng đầu đã và đang bị xử lý do tham nhũng

Cùng ngày, tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Tư pháp khi cho ý kiến Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 của Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, công tác PCTN năm qua đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. 

Năm 2018 có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật. Qua thanh tra, nhà chức trách phát hiện vi phạm hơn 25.700 tỷ đồng, 41.000 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 8.560 tỷ đồng và trên 390 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính gần 1.460 tập thể và nhiều cá nhân; đồng thời chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 85 vụ, 87 đối tượng (tăng 2,4% số vụ so với năm 2017); chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực. Thậm chí, bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN như Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Yên Bái…

Cho rằng kê khai tài sản dường như chưa thực chất, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề: Trong 10 vụ phải thẩm tra xác minh có hơn 4 vụ sai phạm. Vậy có bao nhiêu sai phạm trên tổng 1 triệu bản kê khai? Luật có quy định 4 nội dung cần xác minh, thẩm tra bản kê khai tài sản, trong đó có quy định mở trong trường hợp cần thiết. Vậy như thế nào là cần thiết?

Cùng chung quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy băn khoăn: Năm 2018 có hơn 1,1 triệu cán bộ công chức kê khai tài sản, trong 44 người được xác minh thì có 6 người vi phạm. Vì sao chỉ có 44/1,1 triệu người kê khai được xác minh? Nếu trừ đi số xác minh với số kê khai còn 1.136.858 người chưa được xác minh, liệu trong số kê khai chưa được xác minh thì tỷ lệ vi phạm lớn như thế nào bởi mới chọn ra 44 người xác minh thì đã có 6 người vi phạm. 

Tội phạm trong cơ quan chống tội phạm là bài học đau xót

Liên quan đến vấn đề tội phạm ngay chính trong cơ quan chống tội phạm, điển hình là vụ đánh bạc liên quan đến cán bộ công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, đây là vụ việc "hết sức đau xót". Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, không thể nói đây là vụ án xảy ra ở Tổng cục Cảnh sát mà xảy ra ở đơn vị CNC (Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao). Vụ án này chỉ liên quan đến hai cá nhân là ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao – C50, Bộ Công an) trực tiếp tham dự. Còn cán bộ, chiến sỹ bên dưới gần như không biết.

“Đây là vụ hết sức đau xót, nhưng cũng là cố gắng của lực lượng công an, tinh thần đấu tranh, dám giải quyết vấn đề như thế. Điều đáng buồn, một Trung tướng, thủ trưởng Cơ quan điều tra, Anh hùng Lực lượng vũ trang, thương binh 2/4. Hay anh Hóa, một Thiếu tướng, sinh trưởng trong một gia đình cách mạng, ông nội là liệt sỹ, bà nội là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố đẻ là liệt sỹ, mẹ đẻ là thương binh, bản thân được đào tạo nhưng rõ ràng không chịu khó tu dưỡng, rèn luyện”, Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

Đọc thêm