Sao chỉ tặng ô tô mà không tặng nhà tình nghĩa?

(PLO) - Tiếp tục ngày họp thứ 2 của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, hôm qua (4/4), các ĐB đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý tài sản công.
Một số cơ quan, đơn vị đã phải trả lại ô tô được biếu, tặng không đúng tiêu chuẩn, định mức. Ảnh minh họa
Một số cơ quan, đơn vị đã phải trả lại ô tô được biếu, tặng không đúng tiêu chuẩn, định mức. Ảnh minh họa

Cần làm rõ mục đích việc cho, tặng tài sản cho nhà nước

Đề cập đến việc một số cơ quan, đơn vị phải trả lại các tài sản được cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức thời gian qua, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) tán thành việc cho, biếu, tặng tài sản cho các cơ quan, đơn vị nhà nước nhưng “các cơ quan đơn vị chỉ được nhận quà theo đúng quy định của pháp luật. Còn đối với quà tặng không đúng với tiêu chuẩn của cơ quan thì phải từ chối và giải thích rõ lý do với người cho, biếu tặng. Trường hợp không từ chối được phải báo cáo rõ lý do với cơ quan nhà nước để xác lập quyền sở hữu của nhà nước”.

Đồng quan điểm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Luật cần quy định chặt chẽ, vì ranh giới giữa sử dụng tài sản công cho mục đích công và nhu cầu cá nhân rất khó phát hiện. Ông cũng lo ngại việc các doanh nghiệp tặng, cho tài sản sẽ làm mất đi sự đối xử công bằng trong một dự án mà doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn. Do đó, “Luật cần làm rõ khi nhận quà biếu, tặng với mục đích công. Nếu tài sản đó không thể từ chối thì cần đưa vào đấu giá thực hiện các chương trình xã hội” - ĐB Nhưỡng nói.

Còn ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) lại đề nghị: “Qua luật này cần làm rõ tại sao các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lại cho, biếu, tặng xe hơi mà không cho cái khác. Ví như các nhu cầu rất xã hội là bệnh viện, trường học, nhà tình nghĩa... thì doanh nghiệp không biếu tặng?”.

Thu hồi hoặc đấu giá tài sản không sử dụng hết 

Đối với việc sử dụng, khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích cho thuê, khai thác, góp vốn liên doanh, liên kết tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, bản chất đây là việc sử dụng lãng phí tài sản công, là sự đầu tư vượt quá nhu cầu sử dụng. Theo ĐB Lâm, việc cho thuê, kinh doanh xét về hiệu quả chắc chắn không bằng việc tài sản, vốn này nằm trong tay các cơ sở chuyên nghiệp là các doanh nghiệp. Cùng với đó, khối tài sản này đặt vào tay những đơn vị bán chuyên nghiệp có khi hạch toán không đầy đủ, tạo ra kinh doanh cạnh tranh bất bình đẳng trong thị trường. Do vậy, ĐB Lâm đề nghị những tài công không sử dụng hết thì thu hồi hoặc điều chỉnh cho những đơn vị còn thiếu hoặc đấu giá thì lợi ích xã hội sẽ hiệu quả hơn.

Lo lắng trước việc các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản để thế chấp cho thuê, vay vốn ngân hàng, ĐB Lâm cho rằng điều này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu như những đơn vị này làm ăn không tốt thì phải dùng tài sản nhà nước đầu tư cho đơn vị sự nghiệp để trả cho ngân hàng. “Đây là một dạng thất thoát tài sản nhà nước. Nếu Nhà nước muốn duy trì đơn vị này thì Nhà nước lại phải bỏ một khoản tiền ra gánh trả những khoản nợ của đơn vị đó”, ĐB Lâm nói và đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân để thất thoát, thua lỗ, hoặc những tài sản đi mượn, thuê làm mất, hỏng chứ không thể đổ trách nhiệm chung cho tập thể.

Tán thành với ý kiến này, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng Luật chỉ nên quy định theo hướng đơn vị sự nghiệp công lập thế chấp vay vốn ngân hàng đối với phần đất cho việc sử dụng kinh doanh, dịch vụ; không cho phép đối với phần đất thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước giao.

Đọc thêm