Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện không đạt chuẩn: Một 'mũi tên' trúng nhiều đích

(PLO) -Theo Bộ Nội vụ, trong tháng 9 này, Bộ sẽ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với Đề án Tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021. 
Theo ĐB Phạm Văn Hòa, việc thực hiện Đề án sẽ giúp giảm số công sở bỏ hoang như thế này…
Theo ĐB Phạm Văn Hòa, việc thực hiện Đề án sẽ giúp giảm số công sở bỏ hoang như thế này…

Bài 1: 

Thời gian qua, chủ trương này đã thu hút sự chú ý của đông đảo xã hội. Đa số các ý kiến đều bày tỏ tán thành với việc triển khai chủ trương đúng đắn trên nhằm hướng tới việc tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều vấn đề, lo ngại đã được đặt ra, đòi hỏi cơ quan soạn thảo và các bên liên quan cần nắm bắt để có các biện pháp xử lý, từ đó đảm bảo thực hiện thành công chủ trương lớn nói trên.

Hàng nghìn huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong vòng 30 năm từ năm 1986 đến năm 2016, số ĐVHC cấp huyện trên cả nước từ 431 đơn vị đã tăng lên 713 đơn vị (tăng 277 đơn vị). Trong cùng giai đoạn, cả nước đã tăng từ 9.657 ĐVHC cấp xã lên thành 11.162 đơn vị, tức tăng 1.505 đơn vị. Quá trình sáp nhập, chia tách ĐVHC trong từng giai đoạn của đất nước ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, quá trình chia tách các ĐVHC cấp huyện và cấp xã thời gian qua đã dẫn đến một số bất cập và hạn chế, gây ra nhiều khó khăn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, gây xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc chuyển đổi giấy tờ, thủ tục, địa chỉ, làm chia tách không gian văn hóa - xã hội ở một số vùng, miền.

Bộ Nội vụ cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Nghị quyết 1211 năm 2016 của UBTVQH sau khi được ban hành đã góp phần giữ ổn định số lượng ĐVHC các cấp, nâng cao chất lượng khi thành lập mới các ĐVHC đô thị.

Song, số ĐVHC cấp huyện, cấp xã hiện nay không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định là rất lớn: có 588/713 ĐVHC cấp huyện (chiếm 82,47%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số, trong đó có 259 đơn vị (chiếm 36,33%) chưa đạt 50% của một trong hai tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số; có 18 đơn vị (chiếm 2,52%) đồng thời chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số.

Về ĐVHC cấp xã, hiện có 9.434/11.162 đơn vị (chiếm 84,51%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số, trong đó có 6.191 đơn vị (chiếm 55,46%) chưa đạt 50% của một trong hai tiêu chuẩn về diện tích hoặc dân số, 637 đơn vị (chiếm 5,71%) đồng thời chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn diện tích và dân số.

Vẫn theo Bộ Nội vụ, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã đề ra mục tiêu đến năm 2021 sắp xếp thu gọn hợp lý các ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Và từ năm 2022 đến năm 2030 là cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các ĐVHC cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định. 

Qua quá trình lấy ý kiến, bước đầu xác định 16 huyện và 637 xã không đủ 2 tiêu chuẩn sẽ được xem xét sắp xếp trước. Đề án do Bộ Nội vụ xây dựng hiện đặt mục tiêu từ nay đến năm 2021 cơ bản thực hiện việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Từ năm 2022 đến năm 2030 hoàn thành sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.

Giảm bớt cán bộ “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”

Theo ĐB Phạm Văn Hòa Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp (Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH), Nghị quyết TƯ 6, TƯ 7 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa 12, Nghị quyết 1211 năm 2016 của UBTVQH  khóa 14 về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nhằm làm tinh gọn bộ máy, giảm được biên chế, giảm ngân sách của Nhà nước chi cho bộ máy là chủ trương rất quan trọng của Đảng, của Quốc hội.

ĐB Hòa cho biết, ông rất đồng tình ủng hộ với chủ trương hợp nhất, sáp nhập theo Đề án được Bộ Nội vụ đề ra bởi bộ máy hành chính của chúng ta hiện quá cồng kềnh, có một bộ phận “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”, tinh thần trách nhiệm không cao, trông chờ hưởng lương của Nhà nước và các mục đích khác, làm tiêu hao ngân sách của Nhà nước rất lớn.

“Cho nên hợp nhất, sáp nhập nhằm mục đích cao cả hơn là tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại con người để lựa chọn ra được những con người có tinh thần trách nhiệm cao, có tâm, có tầm để phục vụ nhân dân. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng”, ĐB Hòa nói.

Mặt khác, theo ĐB Hòa, khi hợp nhất lại thì chúng ta sẽ giảm được số công sở dư ra mà theo ông hiện còn rất nhiều trong khi quỹ đất công ở cơ sở cũng như cấp huyện không còn nhiều lắm. “Nếu chúng ta hợp nhất thì quỹ đất công sẽ dôi dư ra để làm quỹ đất công phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của xã hội hoặc nếu cần thiết thì bán đấu giá đất để lấy nguồn thu đầu tư cho cơ sở hạ tầng và làm chính sách cho cán bộ dôi dư”- ĐB Hòa phân tích, đồng thời cho rằng hợp nhất như vậy còn tạo ra sự công bằng, khách quan hơn so với một số đơn vị khác. 

“Hiện nay, có những ĐVHC có diện tích, dân số rất thấp mà cũng là huyện; rồi có những xã dân số ít, diện tích ít nhưng cũng là cấp xã. Trong khi đó, có những đơn vị cấp huyện, cấp xã diện tích rộng, dân số gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp 4 lần nhưng số cán bộ vẫn như vậy. Tôi nghĩ như vậy là không có sự công bằng trong cả nước mặc dù đặc thù, diện tích tự nhiên, về văn hóa, về dân tộc, về sinh hoạt của mỗi nơi có những khác nhau. Ở những nơi đó con người họ vẫn làm việc được, vẫn thực hiện tốt nên tôi nghĩ rằng không có lý do gì chúng ta hợp nhất mà cán bộ không làm được việc”, ĐB Hòa nói thêm.

Phát biểu tại một hội thảo lấy ý kiến về Đề án nói trên do Bộ Nội vụ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận định “tách ra thì ai cũng hân hoan, còn sáp nhập thì không mấy người đồng ý”. Theo các chuyên gia, sở dĩ có hiện tượng như vậy là bởi cơ chế phân bổ nguồn lực công hiện nay của chúng ta chủ yếu dựa trên ĐVHC. Do đó, khi tách ĐVHC cũng đồng nghĩa với việc nguồn ngân sách “rót” về sẽ nhiều hơn, còn khi nhập lại thì đương nhiên ngân sách cũng sẽ không còn nhiều như vậy. 

Còn theo một nghiên cứu về chia tách địa giới hành chính do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện năm 2014, quá trình điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh không giúp điều kiện sống cơ bản của người dân được cải thiện hơn so với trường hợp không điều chỉnh.

(còn tiếp)

Không nên vì khó mà thoái thác

“Lúc đầu sẽ khó nhưng chúng ta làm từng bước và phải kiên trì để làm cho tốt. Ai cũng nghĩ rằng lúc đầu khó thật đấy nhưng tôi nghĩ rằng không phải vì khó mà chúng ta làm không được. Hà Tây nhập vào Hà Nội lúc đầu cũng rất khó nhưng 10 năm sau, khi Hà Nội tổng kết lại việc mở rộng địa giới hành chính thì theo báo cáo đúng là vẫn có cái không được nhưng tôi nghĩ rằng cái được của Hà Nội nhiều hơn”, ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Đọc thêm