Sau vụ khủng bố tại Pháp: IS đang bành trướng ra toàn cầu?

(PLO) - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dường như đang quyết tâm trở thành một lực lượng thánh chiến có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, đủ sức bành trướng và vươn xa hơn phạm vi “capliphate”- vương quốc Hồi giáo - mà chúng tự dựng lên. 
Hiện trường vụ khủng bố kinh hoàng tại Pháp tối 13/11
Hiện trường vụ khủng bố kinh hoàng tại Pháp tối 13/11
Các vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải cân nhắc việc mở rộng chiến dịch quân sự chống IS ở Iraq và Syria. 
Mỹ hiện đang hứng chịu sức ép chính trị ngày càng gia tăng cả trong và ngoài nước yêu cầu hành động nhiều hơn nữa và tìm ra các biện pháp tăng cường chiến dịch chống IS, trong đó có việc tăng cường không lực. 
Các quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ kêu gọi các đồng minh châu Âu và Arập tăng cường can dự quân sự vào cuộc chiến ở Iraq và Syria.
Khó tránh những vụ tương tự
Anthony Cordesman, nhà phân tích kỳ cựu về tình hình Trung Đông và các nhà phân tích quốc phòng khác của Mỹ nhận định: Tổng thống Obama có thể tăng cường chiến dịch chống IS bằng cách cử các cố vấn quân sự của Mỹ ra gần tuyến đầu hơn, sát cánh cùng với các lực lượng Iraq và các tay súng chống IS ở Syria. 
Tuy nhiên, động thái đó và những hành động tương tự nhằm tăng cường sự hỗ trợ của Mỹ dành cho các lực lượng địa phương chưa chắc đã mang lại kết quả nhanh chóng. Theo nhà phân tích Cordesman, các vụ tấn công khủng bố thảm khốc giống như các vụ tấn công khủng bố ở Paris vừa qua là điều khó có thể tránh khỏi trong vòng vài năm tới, và trong ngắn hạn, thế giới chưa thể tìm ra giải pháp cho tình trạng này.
Trong khi đó, ông Richard Fontaine - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách An ninh Mỹ Mới có trụ sở tại Washington, trước đây là cố vấn chính sách đối ngoại cho Thượng nghị sỹ đảng CH John McCain - cho rằng chính quyền của Tổng thống Obama gần như chắc chắn sẽ cân nhắc các biện pháp mới nhằm thúc đẩy chiến dịch quân sự của họ. 
Theo ông Fontaine, Tổng thống Obama có thể sẽ phải đưa ra ít nhất hai sự thay đổi tại Iraq mà ông luôn không hề mong muốn: đưa các cố vấn quân sự Mỹ trong các đơn vị quân đội Iraq lên gần tuyến đầu hơn; triển khai lực lượng kiểm soát bầu trời trên chiến trường để cải thiện hiệu quả các cuộc không kích của Mỹ. Tuy nhiên, ông cho biết không có khả năng Mỹ triển khai bộ binh tại Syria.
Không quân Pháp sử dụng Dassault Rafale - chiến đấu cơ hiện đại nhất - tham gia không kích IS
Không quân Pháp sử dụng Dassault Rafale - chiến đấu cơ hiện đại nhất - tham gia không kích IS
Chiến tranh trên bộ: 
Sai lầm?
Ông Stephen Biddle, Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Trường Đại học George Washington cho rằng, các vụ tấn công khủng bố ở Paris có thể sẽ khiến các cường quốc thế giới ráo riết tăng cường các hoạt động quân sự nhằm tiêu diệt IS. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, sẽ là sai lầm nếu Mỹ phát động một cuộc chiến tranh trên bộ. 
Ông Biddle nói: “Để đánh bại hoàn toàn IS, cần phải có hàng trăm nghìn lính lục quân. Tuy nhiên, không ai có thể nói một cách chắc chắn rằng các nước sẽ cam kết đóng góp đủ số binh lính đó. Điều đó không bao giờ diễn ra trên thực tế”. 
Tuy nhiên theo ông, Mỹ và các đồng minh sẽ tăng cường chiến dịch chống IS nhưng có giới hạn, và sẽ không đưa ra bất kỳ giải pháp nào có khả năng tạo ra một sự khác biệt mang tính quyết định về mặt quân sự. 
Ông nhấn mạnh: “Việc leo thang chiến dịch chống IS chưa chắc đã giúp đánh bại được tổ chức này và cũng không giải quyết được dứt điểm vấn đề”.
Sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris, nhiều khả năng Pháp sẽ đề nghị sự hỗ trợ từ các đồng minh trong NATO. James Stavridis, một Đô đốc Hải quân đã nghỉ hưu, từng là chỉ huy cấp cao của NATO tại châu Âu từ năm 2007 đến năm 2013 và hiện là Chủ nhiệm khoa của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts cho rằng, giờ là lúc NATO phải thể hiện vai trò quân sự của mình. 
Ông nêu rõ: “Các hành động của NATO cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có ý nghĩa chiến lược và có quy mô lớn. Giờ là lúc NATO nên phản ứng mạnh mẽ bằng hành động quân sự nhằm vào IS”.
Chiến lược nguy hiểm của IS
Với các vụ tấn công kinh hoàng tại Paris tối 13/11 vừa qua, IS dường như đang quyết tâm trở thành một lực lượng thánh chiến có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, đủ sức bành trướng và vươn xa hơn phạm vi “capliphate”- vương quốc Hồi giáo mà chúng tự dựng lên.
Bằng cách này, IS có thể đạt được rất nhiều mục đích mà một trong số đó là gia tăng thanh thế và thu hút thêm nhiều tân binh, đồng thời khoét sâu hơn sự chia rẽ giữa cộng đồng người Hồi giáo và phi Hồi giáo tại châu Âu, đẩy phương Tây vào tình thế ngặt nghèo khi buộc phải cân nhắc có dấn thân hay không vào những xung đột mà IS coi là một cuộc thánh chiến Hồi giáo tại Syria và Iraq. 
Diễn ra ngay sau khi IS tuyên bố bắn hạ máy bay dân sự Nga ở Ai Cập và tiến hành các vụ đánh bom liều chết ở Liban và Thổ Nhĩ Kỳ, các vụ tấn công ngay giữa trung tâm thủ đô Paris phản ánh thực tế là tổ chức cực đoạn này đã có bước chuyển hướng quan trọng sang cách tiếp cận mang tính toàn cầu, và nhiều chuyên gia dự đoán điều này sẽ còn tiếp tục trở nên rõ ràng hơn. 
Bilal Saab, một nhà nghiên cứu cấp cao phụ trách mảng An ninh Trung Đông thuộc Trung tâm An ninh Quốc tế Brent Scowcroft nhận định: “Chúng muốn phát đi thông điệp rằng đây là một cuộc chiến mở, không bị giới hạn trong các vùng chiến sự ở Iraq và Syria”. 
Cho tới tận gần đây, điều mà người ta vẫn nghĩ về IS là lực lượng cực đoan này chủ yếu tập trung vào các kẻ thù trong khu vực,  cụ thể là chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cộng đồng người Hồi giáo Shi’ite, những người mà chúng cho là dị giáo. 
Các hoạt động của IS bên ngoài những khu vực mà chúng tuyên bố là thuộc “caliphate” tại Syria và Iraq không phải là chưa từng có tiền lệ. Các nhóm chân rết của tổ chức này đã tiến hành nhiều vụ tấn công tại Trung Đông và Bắc Phi. Bên cạnh đó, nhiều vụ tấn công trong khu vực hiện cũng được cho là do các phần tử trung thành với IS tiến hành. 
Tuy nhiên, những vụ giết người hàng loạt trên khắp thế giới - và hiện giờ là ngay ở trái tim châu Âu - cho thấy bản chất và phạm vi hoạt động của tổ chức này đã thay đổi. Hơn thế nữa, với những bí ẩn và khả năng lẩn trốn tài tình của các tay súng, hiện vẫn chưa rõ vì sao IS lại chọn thời điểm này để vươn bàn tay vấy máu ra toàn cầu.
Một khả năng được nhiều nhà phân tích tính đến là do IS đã nhận thấy tình hình đang có bước ngoặt quan trọng khi Nga quyết định can thiệp vào cuộc chiến ở Syria hai tháng trước đây. Mặc dù hầu hết các cuộc không kích của Nga là nhằm vào quân nổi dậy ôn hòa, với mục đích củng cố sức mạnh cho chính quyền Damascus, Tổng thống Vladimir Putin vẫn luôn khẳng định IS là mục tiêu của chiến dịch này. 
Nhiều người cho rằng sau khi các nỗ lực nửa vời của liên minh do Mỹ dẫn đầu không hề phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống IS, sự can thiệp của quân đội Nga thời gian qua có thể đã trở thành một nhân tố khiến cuộc chơi thay đổi.
Các vụ tấn công ở nước ngoài giúp IS truyền bá thông điệp rằng IS là lực lượng có nhiều ảnh hưởng và đủ sức thay thế Al-Qaeda, tổ chức khủng bố từng tuyên bố vai trò lãnh đạo phong trào thánh chiến Hồi giáo toàn cầu song đang mất dần thanh thế trong những năm gần đây. 
Ông Hassan Hassan, một nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Chatham House ở London, đồng tác giả cuốn sách “ISIS: Bên trong Đội quân Khủng bố” (tên gốc tiếng Anh: “ISIS: Inside the Army of Terror”) cho rằng IS đang triển khai song song hai chiến lược, vừa tích cực xây dựng “caliphate” vừa thể hiện bản thân là “nhà lãnh đạo toàn cầu của lực lượng thánh chiến Hồi giáo”, thay thế Al-Qaeda. 
Ông nhận định: “Chúng muốn thể hiện rằng mình là một Al-Qaeda mới… và rằng chúng sẽ trở thành một tổ chức vươn chân rết khắp mọi nơi… IS đang kêu gọi những kẻ ủng hộ chúng tiến hành các vụ tấn công nhằm vào phương Tây”.
Nhiều áp lực mới khi lực lượng IS bắt đầu bành trướng ra toàn cầu
Nhiều áp lực mới khi lực lượng IS bắt đầu bành trướng ra toàn cầu
Áp lực lớn
Giới quan sát đánh giá rằng các vụ tấn công giết người hàng loạt mà IS tiến hành là nhằm tới nhiều mục tiêu khác chứ không đơn thuần chỉ là phô trương sức mạnh. Có ý kiến nhận định tổ chức này đang tìm cách gia tăng các cuộc tranh cãi về Hồi giáo tại châu Âu, và từ đó tìm cách chiêu mộ thêm các tân binh xuất thân từ chính lục địa này. 
Không chỉ vậy, có thể điều mà IS làm cũng là để bù đắp những thiệt hại mà chúng đang phải hứng chịu tại Syria và Iraq, cho dù những vụ tấn công như tại Paris vừa qua đã được lên kế hoạch từ trước. Trong nhiều tháng qua, IS đã bị đánh bật khỏi nhiều vùng lãnh thổ chiếm đóng. 
Ông Hassan cho rằng chiến sự tại những vùng mà IS chiếm được tại Iraq và Syria đang có dấu hiệu “bão hòa”, và IS cũng không có nhiều lãnh thổ để hoành hành như trước. Điều này đã khiến chúng quyết định giành thời gian, công sức và các nguồn lực để hoạt động ở bên ngoài. 
Trong khi đó, ông Saab lại chỉ ra một mục tiêu khác mà IS có thể đang nhắm tới là buộc phương Tây phải triển khai bộ binh. Theo ông, mặc dù nhiều người phương Tây cho rằng đây là cách duy nhất để tiêu diệt tổ chức này, song “IS chắc chắn cũng sẽ rất muốn kịch bản này xảy ra bởi đó mới là cuộc chiến mà chúng kích động”. 
Có ý kiến khác cho rằng IS trở nên điên cuồng hơn là do những lo ngại về các hoạt động ngoại giao gần đây nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Syria, cuộc xung đột đã góp phần nuôi dưỡng các phần tử cực đoan. Trong khi đó, cựu cố vấn an ninh quốc gia Iraq Muwaffak al-Rubaie cho rằng IS bành trướng như ngày hôm nay là do phản ứng quá yếu kém của phương Tây. 
Ông nói: “Nếu chúng ta không có một kế hoạch toàn diện, chặt chẽ và bền vững để tiêu diệt mối đe dọa này thì những vụ khủng bố như vừa qua sẽ còn tiếp diễn”. 
Theo các chuyên gia, IS đang tìm cách vượt qua các rào cản an ninh quốc tế để tiến hành nhiều hơn các vụ tấn công tương tự. Hisham al-Hashimi, một chuyên gia về IS, hiện đang sống tại Baghdad nói: “Chiến thuật của chúng sẽ ngày càng tinh vi hơn, và các mục tiêu cũng sẽ lớn hơn… Chúng muốn một cuộc tấn công quy mô, tác động tới mọi khía cạnh xã hội… Những gì diễn ra tại Paris vừa qua mới chỉ là điểm khởi đầu”…

Đọc thêm