Sau vụ nâng điểm thi ở Hà Giang: Loạt địa phương bị đưa vào 'tầm ngắm'

(PLO) - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ Cương khẳng định, cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Đối với thí sinh, khi có kết quả chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sau đợt xét tuyển ĐH, CĐ tới đây thì vẫn phải xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi.
Ông Vũ Trọng Lương - Phó phòng Khảo thí Sở GD&ÐT tỉnh Hà Giang được xác định là người trực tiếp can thiệp làm sai lệch kết quả 330 bài thi.
Ông Vũ Trọng Lương - Phó phòng Khảo thí Sở GD&ÐT tỉnh Hà Giang được xác định là người trực tiếp can thiệp làm sai lệch kết quả 330 bài thi.

Liên quan đến vụ nâng điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang, hôm qua (19/7), Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, làm rõ.

Lạng Sơn và Sơn La trong “tầm ngắm”

Sau việc hàng trăm thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 cao gấp nhiều lần điểm thật thì trên mạng xã hội tiếp tục lan truyền những thông tin về việc có 35 thí sinh đạt điểm cao bất thường tại tỉnh Lạng Sơn.

35 thí sinh trên là chiến sỹ nghĩa vụ (thí sinh tự do) thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động đóng trên địa bàn tỉnh, có năm sinh từ 1994 - 1997. Theo bảng điểm vừa được đăng tải thì 35 thí sinh này đều đạt điểm 8 hoặc 9 môn Ngữ Văn và Lịch Sử. Sau khi có những thông tin nghi vấn của dư luận, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Lạng Sơn kiểm tra, rà soát lại quá trình tổ chức thi và chấm thi để xem xét và xử lý.

Ngày 19/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ký quyết định thành lập tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Lạng Sơn và Sơn La. Cùng ngày đoàn thanh tra Bộ đã tới các địa phương này.

Chiều 19/7, Tổ công tác của Bộ GD&ĐT do ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở  GD&ĐT tỉnh Sơn La về xác minh những bất thường liên quan đến vấn đề điểm thi THPT quốc gia 2018.  Theo kế hoạch, Tổ công tác của Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành chấm lại các bài thi ngay trong đêm 19/7.  Các giáo viên chấm thi đã được triệu tập đến để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh.

Thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia năm 2018 do Bộ GD-ĐT công bố cho thấy, Hòa Bình cũng là một trong những địa phương có thứ hạng cao về tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên môn Toán, Lý, Hóa cũng như số lượng thí sinh trên 27 điểm ở một số khối thi.

Theo phân tích của các chuyên gia, năm nay Hòa Bình có hơn 8.900 thí sinh dự thi môn Toán nhưng có tới 27 thí sinh đạt điểm 9 trở lên, cao gấp 5 lần tỉ lệ chung của cả nước tương đương với TP HCM và cao gấp 2,3 lần Nam Định. Điều bất hợp lý là số thí sinh dự thi môn Toán của TP HCM cao gấp 11 lần so với Hòa Bình. Ở môn Vật lý và Hoá học, kết quả cũng tương tự như vậy.

 Ngoài ra, nếu xét theo khối thi A1 (toán, vật lý, tiếng Anh), cả nước có 82 thí sinh đạt mức điểm 27 trở lên, tức trung bình mỗi môn 9 điểm thì Hòa Bình cũng đã có 9 thí sinh trong danh sách này, chiếm 11%. Đây cũng là một trong những tỉnh có số lượng thí sinh đạt mức điểm từ 27 trở lên cao vượt trội. 

Tiếp đó, khu vực phía Nam, Bạc Liêu cũng là địa phương khiến dư luận đầy hoài nghi về kết quả khi bất ngờ vượt lên vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành về điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia 2018.

Chia sẻ về vị trí thứ hạng điểm, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Năm 2002, lần đầu tiên “3 chung” và lần đầu tiên làm phổ điểm thì mãi mấy năm sau mới công bố vì quá “nhạy cảm” vào thời điểm đó.

13 năm thi “3 chung”, Cục Công nghệ Thông tin thường xuyên xếp hạng, vẽ bản đồ điểm thi Việt Nam và về nguyên lý, nhóm xếp hạng theo màu là rất ít thay đổi. Về nguyên tắc, top 10 chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. Đứng vị trí Nhất thường xuyên là Hà Nội (thời chưa sáp nhập Hà Tây), Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc. TP HCM sau mấy năm “3 chung” mới vào top 10. Nhưng từ ngày thi “2 trong 1”, thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. Nhiều tỉnh ngày xưa điểm thấp, nay nhảy lên “sánh vai” với top 10”.

Tiếp tục phối hợp với công an làm rõ 

Chiều 19/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đã họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 và các đơn vị liên quan,  yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chấm thẩm định bài thi theo đúng Quy chế.

Trong quá trình chấm thẩm định nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời phối hợp với cơ quan công an khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Đối với thí sinh, khi có kết quả chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sau đợt xét tuyển ĐH, CĐ tới đây thì vẫn phải xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi.

Tại cuộc họp này Bộ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ kiểm tra, đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp được giao nhiệm vụ thanh tra, giám sát trong quá trình chấm thi bỏ vị trí, không hoàn thành nhiệm vụ. 

Đọc thêm