Sẽ có cơ chế riêng cho TP HCM

(PLO) - Sáng nay, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về việc ban hành thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Sẽ có cơ chế riêng cho TP HCM

Theo tờ trình của Chính phủ, các cơ chế, chính sách được đề xuất thí điểm cho TP HCM chủ yếu liên quan đến phân cấp, phân quyền đối với công tác quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền của các vấn đề này thuộc Thủ tướng Chính phủ, nay phân quyền cho Thành phố thực hiện. Đối với một số nội dung pháp luật hiện hành chưa quy định, trình Quốc hội cho phép Thành phố nghiên cứu, xây dựng để báo cáo Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định cho thí điểm trên địa bàn Thành phố, đồng thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Về cơ chế tài chính – ngân sách, việc cho phép Thành phố nghiên cứu thí điểm chính sách thu mới hoặc điều chỉnh các chính sách thu hiện hành sẽ có tác động đến một số doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Thành phố, nhưng yêu cầu vẫn phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng lớn đến sản xuất, lưu thông hàng hóa của thị trường cả nước; tập trung thu đối với hàng hóa, thu nhập phát sinh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Việc thực hiện Nghị quyết có ảnh hưởng đến Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, về tổng thể các ảnh hưởng này không lớn, cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước và nợ công, trước mắt và trong trung hạn; không ảnh hưởng đến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ và các địa phương (ngân sách trung ương giảm khoảng 20.000 tỷ đồng nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, nhưng đồng thời giảm 18.800 tỷ đồng bổ sung chi đầu tư của ngân sách trung ương cho Thành phố).

Việc quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố như báo cáo ở trên sẽ giúp Thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư..., tạo động lực cho Thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng là đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước. 

Đọc thêm