Sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở tăng bình quân khoảng 7%/năm

(PLO) - Với 88,66% tổng số đại biểu Quốc hội (QH) tán thành, hôm qua (9/11), QH đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sẽ từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực, tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Giữ cơ cấu hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng

Nghị quyết đề ra mục tiêu: Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 23,5% GDP. Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực, tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước. Ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 260 nghìn tỷ đồng, từ nguồn vốn ngoài nước là 300 nghìn tỷ đồng, từ nguồn bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250 nghìn tỷ đồng. Căn cứ tình hình thực tế, số bố trí chi đầu tư phát triển sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. 

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn không quá 3,9% GDP; phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, nhằm thực hiện cân đối ngân sách nhà nước tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép với mục tiêu, nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, ngoài việc thực hiện tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu đảm bảo nâng dần tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước, đảm bảo tỷ trọng thu nội địa không thấp hơn mức quy định, phù hợp với sự phát triển của đất nước... Nghị quyết xác định cần chi ngân sách nhà nước phải giữ cơ cấu hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đảm bảo chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh.

Phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo; 2% tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ. Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm.

“Các đoàn kiểm tra chủ yếu tập trung vào những doanh nghiệp  có lãi”

Cũng trong ngày 9/11, cho ý kiến Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đại biểu (ĐB) Phạm Phú Quốc (TP HCM) cho rằng, hiện tại số lượng hộ kinh doanh cá thể ở nước ta rất lớn, thống kê có khoảng hơn 4 triệu hộ kinh doanh cá thể, đang góp phần giải quyết một lượng rất lớn lao động. Ông Quốc đặt câu hỏi liệu luật có quy định hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể hay không khi Luật Doanh nghiệp 2014 đã gián tiếp thừa nhận hộ kinh doanh cá thể là một loại hình doanh nghiệp. 

Cũng theo ĐB Quốc, Dự thảo cần quy định rõ DN như thế nào thì được coi là DNNVV, ai công nhận DN này là nhỏ và vừa, đăng ký ở cơ quan nào hay những DN cứ đủ tiêu chuẩn đương nhiên được thừa nhận và được hỗ trợ? “Quy định này  khá quan trọng để tránh cơ chế xin - cho”, ĐB Quốc nói.

Còn ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị rút DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ra khỏi đối tượng được Luật hỗ trợ. Vì theo ĐB Lộc, nguồn lực của nước ta còn hạn chế, không thể nào hỗ trợ cho tất cả các đối tượng. “Họ có năng lực  cạnh tranh cao hơn, sao lại hỗ trợ?”, ĐB Lộc đặt câu hỏi và nhấn mạnh: khi Luật DNNVV có hiệu lực được mở ra đối với các đối tượng DN thuộc nhóm FDI thì DNNVV Việt Nam không có cơ hội thành công.

Cùng quan điểm, ĐB Tô Thị Bích Châu (TP HCM) nhận xét, Dự  thảo Luật có tham vọng lớn, đưa nhiều hỗ trợ khác nhau cho các DNNVV. Nhưng Dự thảo vẫn dàn trải trong việc hỗ trợ và nếu tập trung hỗ trợ nhiều lĩnh vực thì không thể tập trung được cho những lĩnh vực cần sự ưu tiên.

Liên quan đến Điều 32 về việc tổ chức kiểm tra, giám sát, ĐB Châu cho rằng cần quy định rõ hơn để tránh hiểu lầm. Lý giải điều này, ĐB Châu cho biết Dự thảo quy định theo hướng kiểm tra giám sát của các cơ quan, ban ngành để tạo điều kiện giúp DN phát triển. Nhưng thực tế hiện nay, có những DNNVV đang chịu sự kiểm tra của 3 đoàn (Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Bộ Công Thương) và các DN này phải chừa một phần ngân sách cho những đoàn kiểm tra. Các đoàn này chủ yếu và tập trung vào những DN làm ăn có lãi, mà không đi vào những DN còn khó khăn để tập trung hướng dẫn giúp đỡ. 

“Quốc hội xem xét dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”

Đây là nội dung mới được bổ sung vào chương trình làm việc của QH hôm nay (10/11). Theo đó, QH sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết này.

Đọc thêm